Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát

Vị trí địa lý

Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát nằm về phía Tây Bắc tỉnh Tây Ninh, cách thành phố Tây Ninh khoảng 35 km, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 135 km. Tổng diện tích vùng lõi Vườn quốc gia 19.204 ha, trong đó gồm: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (8.198 ha), phân khu phục hồi sinh thái (10.877 ha), phân Dịch vụ – Hành chính (129 ha). Vùng đệm Vườn quốc gia với diện tích 18.600 ha thuộc 4 xã Tân Lập, Tân Bình, Hòa Hiệp và Thạnh Tây. Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát là khu vực có tỷ lệ diện tích rừng tập trung lớn nhất của tỉnh Tây Ninh. 

– Phía Bắc và Tây giáp Campuchia, phía Tây giới hạn bằng sông Vàm Cỏ Đông.

– Phía Đông giáp vùng nông nghiệp thuộc Tân Lập – Tân Bình.

– Phía Nam giáp vùng nông nghiệp xã Hòa Hiệp [1, 2].

Địa hình, địa mạo

Vườn Quốc gia Lò Gò-Xa Mát có địa hình gần như bằng phẳng, thay đổi trong khoảng 5 – 20m rải rác có những gò cao với độ cao không vượt quá 25m so với mực nước biển. Độ dốc trung bình 1o – 5o. Có thể phân chia địa hình cho Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát thành các kiểu tiểu địa hình là bằng phẳng, trũng và gò hình thành các trảng và bàu ngập nước trong mùa mưa [1].

Thổ nhưỡng

Nền địa chất trầm tích dày, phong hóa mạnh tạo thành các khối laterit vững chắc, với các loại đất phù sa cổ phát triển cùng với các quá trình địa mạo san bằng và bào mòn tạo nên các lớp đất cát trên bề mặt thấy xuất hiện rải rác trong Vườn quốc gia và đặc biệt là phần phía Bắc có địa hình thấp trũng lôi kéo cát trong thềm cổ. Việc xuất hiện các khối laterit lớn, mà nhiều nơi lộ ra trên bề mặt do kết quả tích tụ oxyt sắt-nhôm. Phân bố của các khối laterit này thấy xuất hiện tại các trảng, bàu có địa hình bằng phẳng tạo điều kiện nước không thấm xuống dưới được gây ngập một khoảng thời gian trong mùa mưa [1].

Khí hậu

Khí hậu Tây Ninh hay cả Nam bộ nói chung có kiểu khí hậu nhiệt đới gió mùa rõ rệt. Lượng mưa dao động từ khoảng 1.300mm/năm đến khoảng 1.900mm/năm, có những năm lượng mưa đạt trên 2.000mm (có thể tới 2.300mm), phân bố không đều giữa các tháng, thường tập trung từ tháng 6 đến tháng 10. Mùa mưa có thể kéo dài trung bình 6 tháng, có thể kéo dài đến 8 tháng (các tháng có lượng mưa trên 100mm) [1].

Thủy văn

Nước mặt – Sông suối tại khu vực Vườn quốc gia không nhiều do chênh lệch địa hình không cao. Hệ thống sông suối có sông Vàm Cỏ Đông, suối Đa Ha và các suối khác chỉ có nước vào mùa mưa.

Nước ngầm khá phong phú và gần mặt đất, ở độ sâu 4 – 5 m khu vực gần sông suối cung cấp nước sinh hoạt và ở độ sâu hơn 20m cho nước phục vụ sản xuất (140- 240 m3 /ngày). Tầng nước nông thuộc trầm tích phù sa mới có chất lượng không ổn định và bị chua do tích tụ sắt trong tầng đất trầm tích [1].

Hệ thực vật

Theo kết quả điều tra của Viện sinh học nhiệt đới (2006), hệ thực vật bậc cao của rừng Lò Gò – Xa Mát có khoảng 694 loài thuộc 395 chi của 115 họ trong 60 bộ của 5 ngành thực vật. Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát có các kiểu thảm thực vật chính như sau:

+ Kiểu rừng nguyên sinh và thứ sinh thường xanh cây lá rộng theo mùa.

+ Kiểu rừng Sao Dầu thứ sinh trên đất ngập nước theo mùa: (1) trên nền đất ferralit nông và (2) trên nền đất ferralit sâu.

+ Kiểu rừng khô thưa thứ sinh ngập nước theo mùa trên đất ngập nước ưu thế họ Sao Dầu (Dipterocarpaceae) và Tràm (Melaleuca).

+ Kiểu rừng khô ngập nước theo mùa ưu thế tràm và cây bụi gai.

+ Trảng cỏ ngập nước theo mùa.

 + Rừng thứ sinh cây bụi trảng cỏ ngập nước ven sông, lòng suối [1, 2].

Với điều kiện tự nhiên và khí hậu thuận lợi nên hệ động, thực vật trong hệ sinh thái tỉnh Tây Ninh rất đa dạng, với nhiều nguồn gen quý hiếm, tài nguyên dược liệu tập trung chủ yếu tại hệ sinh thái rừng của Vườn Quốc gia Lò Gò -Xa mát.

Theo số liệu điều tra tại huyện Tân Biên (1980) đã ghi nhận được 309 loài cây thuốc, trong đó 235 loài đã được giới thiệu như: Chiêu liêu, Ba kích lông, Bách bộ, Đại phong tử, Vàng đắng (Coscinium fenestratum) để chiết xuất berberin ở vùng rừng ở Tây Ninh.

Số liệu điều tra năm 2006 đã xác định được 179 loài thuộc 67 họ thực vật trong tổng số 694 loài/115 họ thực vật bậc cao có công dụng làm thuốc.  Xác định được 486 loài cây có vị thuốc ở Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát tỉnh Tây Ninh (chiếm 70% số loài hiện có) thuộc 322 chi, 104 họ của 4 ngành thực vật bậc cao có mạch là ngành Dương xỉ, ngành Thông đất, ngành Hạt trần và ngành Hạt kín [3, 4].

 Các điều tra về tài nguyên thực vật làm thuốc ở Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát đã phát hiện 04 loài mới gồm: Bướm bạc một hoa – Aphaenandra uniflora; Chùm đuông – Sphaerocoryne affinis; Huyết rồng – Spatholobus suberectus và Bạch tu lá quế – Naravella laurifolia. Đã xác định được 18 loài cây thuốc có giá trị bảo tồn theo thang đánh giá của Sách đỏ Việt Nam (2007), Danh lục đỏ IUCN (2013) và Nghị định số 84/2021/NĐ-CP của Chính phủ; 10 loài cây thuốc nằm trong Danh mục vị thuốc Y học Cổ truyền của Bộ Y tế (2013). Cây có vị thuốc được phân loại 06 nhóm dạng sống, đó là: cây gỗ nhỏ có 133 loài chiếm 27,4% tổng số loài, cây thân thảo có 114 loài chiếm 29,6%, cây bụi có 97 loài chiếm 20%, dây leo có 87 loài chiếm 17,9%, cây gỗ lớn có 44 loài chiếm 9,1% và phụ sinh có 11 loài chiếm 2,3%. Theo đó, giá trị sử dụng của cây thuốc ở Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát được xem là rất phong phú và đa dạng: có 7 bộ phận của cây thuốc được dùng để chữa bệnh; có 2 phương thức dùng thuốc là dùng trong và dùng ngoài và 17 nhóm bệnh thông thường được chữa trị bằng cây thuốc.

 Kết quả điều tra nông hộ đã ghi nhận 54 loài cây thuốc phổ biến đang được người dân sử dụng, trong đó có 10 loài: Đỗ trọng, Đậu xương, Dây gùi, Dây gấm, Huyết rồng, Móng bò, Sâm cau, Chanh rừng, Bá bệnh và Cát lồi được người dân thu hái nhiều nhất. Xây dựng bộ sưu tập mẫu tiêu bản cây thuốc của 106 loài thuộc 87 chi của 47 họ thực vật bậc cao có mạch và xây dựng Vườn cây thuốc trên diện tích 1.792 m2 và trồng được 56 loài cây thuốc với tổng số cây sống ổn định là 439 cây [3, 4].

Năm 2009, Phan Kế Lộc đã tiến hành khảo sát “Điều tra cây thuốc ở vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, tỉnh Tây Ninh” bước đầu đã ghi nhận được 152 loài Thực vật và Nấm lớn thuộc 130 chi, 74 họ có công dụng làm thuốc. [4].

Kết quả công bố điều tra thành phần cây thuốc của Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát năm 2012 cho thấy thành phần cây thuốc ở Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát khá đa dạng và phong phú với 433 loài của 299 chi trong 99 họ, của 54 bộ và thuộc 4 ngành trong hệ thực vật của Việt Nam. Một số họ giàu loài nhất trong hệ thực vật cây thuốc vùng nghiên cứu phải kể đến là họ Cà phê (Rubiaceae) có 36 loài (chiếm 8,31% tổng số loài cây có vị thuốc của Vườn quốc gia), họ Thầu dầu (Euphorbiaceae) có 24 loài (chiếm 5,54%), họ Đậu 20 (Fabaceae) có 20 loài (chiếm 4,62%), họ Na (Annonaceae), họ Trúc đào (Apocynaceae) và họ Hòa thảo (Poaceae) có 15 loài (chiếm 3,46%), họ Vang (Caesalpiniaceae) có 13 loài (chiếm 3,00%), họ Dâu tằm (Moraceae) có 12 loài (chiếm 2,77%), họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae) có 10 loài (chiếm 2,31%) và họ Mua (Melastomataceae) có 9 loài (chiếm 2,08%)  [4].

Sự đa dạng cây thân thảo làm thuốc trong Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát có 97 loài  chiếm 22,40% trong tổng số thực vật làm thuốc, thường phân bố dọc theo sông, suối trên các trảng cỏ như: Trảng Đất đen, Trảng Tà Nốt, Trảng Đầu bò – Trảng Miên… Với số lượng cá thể của một loài rất lớn cùng tập trung trên một khu vực như trảng Đưng (Scleria levis Retz.), trảng Nhân trần (Adenosma bracteosum Bonati), trảng Năng ngọt (Eleocharis dulcis (Burm.f.) Hensch.)… Họ có nhiều loài cây thân thảo làm thuốc phải kể đến đó là: họ Hòa thảo (Poaceae), họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae), họ Đậu (Fabaceae), họ Gừng (Zingiberaceae), họ Cói (Cyperaceae) [4].

Tình hình khai thác tài nguyên thực vật làm thuốc ở Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát

Những năm gần đây, nhu cầu về cây dược liệu ngày càng tăng trong khi nhận thức của người dân chưa được trang bị đầy đủ, công tác quản lý chưa chặt chẽ… khiến cho việc khai thác tài nguyên dược liệu quá mức mà không chú ý đến khả năng tái sinh của các loài dẫn đến nguy cơ bị tận diệt.

Việc thu mua cây dược liệu với số lượng lớn gây ra sự khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên dược liệu. Thông thường, sau một vài đợt thu mua mạnh của các cơ sở thu mua, những cây dược liệu sẽ nhanh chóng bị tận thu. Do hiện nay, người dân chỉ khai thác dược liệu trong Vườn quốc gia bằng phương pháp thu hái. Làm cho tài nguyên thực vật dược liệu của Vườn quốc gia không kịp hồi phục.

Các cây thuốc được ưa chuộng và khai thác nhiều ở Vườn quốc gia là Đậu xương/Đau xương, Hoàng đằng, Sưng đửng, Đỗ trọng nam, Dây Linh, Sáng lọc, Huyết rồng máu, Lạc tiên, Kim luôn, Quảng mao, Bồ hút, Trung Quân, Nhân trần tía, Kim tiền thảo…nên một số loài hiện nay còn rất ít hoặc không còn tìm thấy ở Vườn quốc gia [3]. 

Tài liệu tham khảo

[1]. Viện Sinh học nhiệt đới (2006), Điều tra đánh giá hiện trạng và diễn biến tài nguyên động thực vật Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, Báo cáo khoa học. Tr. 28-35, 37-45.

[2]. Phân viện điều tra Quy hoạch rừng Nam bộ – Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát (2010), “Báo cáo quy hoạch vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát giai đoạn 2012-2020“. Tr. 6-15.

[3]. Lý Ngọc Sâm, Nguyễn Vinh Hiển (2007), Hiện trạng tài nguyên cây thuốc tại vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, tỉnh Tây Ninh, Hội nghị khoa học về sinh thái và tài nguyên sinh vật lần 2, Hà Nội. Việt Nam.

[4]. Nguyễn Văn Luận (2012), Luận văn Thạc sỹ ngành Sinh thái học, Điều tra thành phần loài cây thuốc ở vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, tỉnh Tây Ninh. ĐHSP TP HCM, Việt Nam.

Đăng ngày: 07/07/2023