Ngày 26/10/2023, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Cần Thơ đã tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Ứng dụng công nghệ nâng cao giá trị gia tăng nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long”. Hội thảo được tổ chức nhằm giới thiệu các công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch, truy xuất nguồn gốc và các mô hình ứng dụng chuyển giao công nghệ, qua đó nâng cao giá trị nông sản tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Tham dự hội thảo có đại diện Liên minh Hợp tác xã thành phố Cần Thơ, Hội Nông dân thành phố Cần Thơ; các đại biểu đến từ ủy ban nhân dân các quận, huyện, các Sở, Ngành, viện, trường đại học, doanh nghiệp, hợp tác xã tại thành phố Cần Thơ…
Tại hội thảo, các báo cáo viên đã trình bày các bài tham luận: “Một số công nghệ bảo quản, chế biến các sản phẩm rau, quả sau thu hoạch tại Đồng bằng sông Cửu Long” – Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh; “Nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong bảo quản và chế biến sản phẩm nông lâm thủy sản” – Chi Cục quản lý nông lâm sản và thủy sản Cần Thơ; “Ứng dụng công nghệ sấy động sử dụng năng lượng mặt trời trong chế biến nông sản, thủy sản, trái cây, dược liệu, thực phẩm và phụ phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long” – Công ty TNHH giải pháp công nghệ thông minh ITS.
Đồng bằng sông Cửu Long nổi tiếng là vựa trái cây lớn nhất cả nước với 58% tổng diện tích trồng cây ăn trái và sản lượng trái cây chiếm 40% tổng sản lượng trái cây cả nước. Một số loại trái cây nổi tiếng như bưởi, xoài, nhãn, chôm chôm, sầu riêng, vú sữa, cam, quýt,.. tập trung chủ yếu tại các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Đồng Tháp và Bến Tre đang được ưa chuộng tại thị trường trong và ngoài nước. Cơ hội mở ra rất lớn nhưng hiện nay tỷ lệ tổn thất và hao hụt trong ngành rau quả tươi khá cao với hơn 40% rau quả thu hoạch không đến được tay người tiêu dùng, nguyên nhân chính do ảnh hưởng từ khâu bảo quản và vận chuyển sản phẩm. Chính vì vậy, việc áp dụng một số phương pháp bảo quản (bảo quản lạnh, chiếu xạ, bao màng…), phương pháp sấy hiện đại (sấy thăng hoa, sấy lạnh, sấy hồng ngoại…) tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ giúp nông sản sau thu hoạch được bảo quản lâu, giảm hao hụt sau thu hoạch, có thể xuất khẩu sang thị trường các nước trên thế giới.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi làm rõ và đề xuất các nội dung nhằm tăng cường việc ứng dụng các công nghệ mới, thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng trong sản xuất và chế biến bảo quản sau thu hoạch nhằm gia tăng giá trị nông sản của vùng.
Đăng ngày: 27/10/2023