Nhân trần tía và sự phân bố
Nhân trần tía thuộc chi nhân trần là loại thảo dược được sử dụng nhiều trong các bài thuốc đông y của người Việt hay các cư dân Châu Á. Nhân trần thuộc họ hoa mõm sói (Scrophulariaceae) [1].
Trong đó, chi nhân trần có khoảng 15 loài và được tìm thấy ở Châu Á và Châu Úc [2, 3]. Ở Lào đã phát hiện được 8 loài, Campuchia có 6 loài, Việt Nam có 7 loài gồm: Adenosma bracteosum, Adenosma caeruleum, Adesnosma hirsuta, Adenosma indianum, Adenosma javania, Adenosma microcephala, Adenosma glutinosum. Trong đó có ba loài Adenosma caeruleum R. Br., Adenosma indianum (Lour.) Merr. và Adenosma bracteosum Bonati được tìm thấy phổ biến ở Việt Nam và đã được sử dụng phổ biến trong y học cổ truyền. Khác với 2 loài Adenosma caeruleum R. Br., Adenosma indianum (Lour.) Merr. chủ yếu phân bố tập trung ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, loài Nhân trần tía Adenosma bracteosum Bonati có phạm vi phân bố hạn chế, chỉ được phát hiện ở vài tỉnh phía nam như Tây Ninh, Bình Dương, khu vực Vũng Tàu, đảo Phú Quốc và Côn Đảo, Kon Tum, Đắk Lắk [4, 5].
Phân loại thực vật
Vị trí phân loại thực vật Chi Adenosma thuộc họ Scrophulariaceae được phân loại theo hệ thống phân loại thực vật có hoa của Takhtajan (2009) có vị trí phân loại như sau [6]:
Giới thực vật (Plantae)
Phân giới Thực vật bậc cao (Cormobionta)
Ngành Ngọc lan (Magnoliophyta)
Lớp Ngọc lan (Magnoliopsida)
Phân lớp Hoa môi (Lamiidae)
Bộ Hoa môi (Lamiales)
Họ Hoa mõm sói (Scrophulariaceae)
Chi Adenosma
Đặc điểm thực vật của Nhân trần tía
Nhân trần tía thường mọc từ tháng 6, ra hoa vào khoảng tháng 10 hoặc tháng 11, tàn lụi vào khoảng tháng 12. Cây ưa sáng, ưa ẩm và có thể chịu được khô hạn sau khi đã ra hoa. Nơi mọc của Nhân trần tía thường là đất pha cát và có nhiễm phèn. Cây thường mọc thành từng đám, có khi phát hiện quần thể trải rộng đến hàng ngàn mét vuông [6]. Nhân trần tía có vòng đời ngắn, chỉ tồn tại 5 – 6 tháng rồi sau đó tàn rụi [6].
Nhân trần tía là cây thân thảo, cao 30 – 40 cm, thân tròn ở phần gốc, phần thân trên và cành có tiết diện vuông, thân thường nhẵn hoặc có lông tuyến rải rác, thân và cành có màu tím đỏ. Toàn cây có mùi thơm. Lá đơn, mọc đối, hình mác thuôn, không cuống, dài khoảng 2 – 2,5 cm, rộng 6 – 8 mm, mép lá răng cưa, gân lá hình lông chim, gân lá nổi rõ ở mặt dưới, có ít lông, có tuyến, lá khi khô rất dễ rụng. Cụm hoa dạng bông (gié), mọc ở đầu cành, dài 1,5 – 5 cm.
Đài hoa có 5 lá đài hình tim nhọn, kích thước không đều, rời nhau, có lông và có tuyến ở mép. Hoa không đều, lưỡng tính. Tràng hoa có màu trắng hoặc màu tím, dính nhau bên dưới thành ống cao 6 mm, phía trên chia 2 môi 2/3. Môi trên hình bầu dục gần tròn; môi dưới chia 3 thùy hình trứng bằng nhau, có lông ở mặt trên. Tiền khai hoa: 2 cánh hoa sau phủ lên 2 cánh bên, 2 cánh bên phủ lên cánh hoa trước. Nhị màu trắng, rời, không đều, 2 nhị dài, 2 nhị ngắn, đính gần đáy ống tràng xen kẽ cánh hoa. Bao phấn 1 ô màu vàng, nứt dọc, hướng trong, đính giữa. Hạt phấn hình cầu hoặc hình bầu dục, rời, màu vàng, có rãnh dọc và vân hình mạng. Lá noãn 2, bầu trên 2 ô, mỗi ô nhiều noãn, đính noãn trung trụ, giá noãn lồi. Bầu noãn có tiết diện hình elip, màu xanh. 1 vòi nhụy hình sợi, màu trắng, đính ở đỉnh bầu. Quả nang, hình trứng, màu xanh, mang đài tồn tại, khi chín tự mở thành 2 mảnh. Hạt nhiều, nhỏ, màu nâu hay đen [6].
Tính chất dược liệu của Nhân trần tía
Tác dụng kháng khuẩn, kháng viêm, chống ung thư: carvacrol trong tinh dầu Nhân trần tía đã được chứng minh có hoạt tính kháng khuẩn mạnh hơn các hợp chất dễ bay hơi khác được tìm thấy trong tinh dầu, nhờ vào sự hiện diện của nhóm hydroxyl tự do và các gốc phenol [7]. Carvacrol giúp ức chế sự phát triển của một số chủng vi khuẩn, vi nấm phổ biến như Escherichia coli, Salmonella, Bacillus cereus, Staphylococcus mitis, Pseudomonas aeruginosa và Candida albican [7]. Carvacrol là một phenolic monoterpenoid, có hương vị dễ chịu, tính ấm, hơi cay do carvacrol kích hoạt thụ thể TRPV3 và TRPA1 trên lưỡi người [7]. Ngoài ra, carvacrol còn kích hoạt PPAR và ức chế enzyme COX-2 trong các phản ứng viêm, do đó nó còn có tác dụng giảm đau, kháng viêm.
Trong thử nghiệm với chuột, carvacrol nhanh chóng được chuyển hóa và bài tiết, chỉ còn 1 lượng rất nhỏ carvacrol hoặc các hợp chất chuyển hóa của nó được tìm thấy trong nước tiểu, chứng minh một sự đào thải gần như hoàn toàn carvacrol trong cơ thể trong vòng 24 giờ [8]. Bên cạnh đó, đặc tính kháng ung thư của carvacrol đã được báo cáo trong các mẫu thử ngiệm cận lâm sàng các loại ung thư vú, ung thư gan và ung thư phổi biểu mô, tác động vào quá trình apoptosis của tế bào ung thư [8].
Tài liệu tham khảo
[1]. Xuan Shen Ke (1998), Scrophulariaceae, Flora of China, 18, pp 1-212.
[2]. Larry D. Estes (2008), Systematics of Gratiola (Plantaginaceae), Doctoral Disertation, The University of Tennessee, Knoxville.
[3]. Shuiyin Liu, Hua Zhu, Jie Yang (2016), A Phylogenetic Perspective on Biogeographical Divergence of the Flora in Yunnan, Southwestern China, Scientific Reports, 7, pp430-432.
[4]. ChenWang, HongxiaZhang, QingLiu, Jinfeng Qi, Huifu Zhuang, Yi Gou, Hongbin Wang, Yuhua Wang (2021), A review of the aromatic genus Adenosma: Geographical distribution, traditional uses, phytochemistry and biological activities, Journal of Ethnopharmacology, 275, pp114075.
[5]. Hoshino AA, Bravo JP, Nobile PM, Morelli KA (2012), Microsatellites as Tools for Genetic Diversity Analysis [Internet]. Genetic Diversity in Microorganisms. IntechOpen; 2012 [cited 2021 Oct 24]. Available from: https://www.intechopen.com/chapters/28891.
[6]. Takhtajan A(1980), Outline of the Classification of Flowering Plants (Magnoliophyta). Botanical Review. 46 (3): 225 359. July–September 1980, doi:10.1007/bf02861558. JSTOR4353970. S2CID30764910.
[7]. Memar, Mohammad Y. et al. (2018), Carvacrol and human health: A comprehensive review, Phytother Res., 32(9): 1675-87.
[8]. Bakkali, F; S. Averbeck; D.Averbeck (2007), Biological effects of essential oils – A review, Food & Chemical Toxicology, 46, pp. 446-475.
Đăng ngày: 06/07/2023