Tọa đàm: Đề xuất một số nội dung liên quan đến phát triển Công nghệ Sinh học, Công nghiệp Sinh học phục vụ xây dựng: “Đề án phát triển Công nghiệp Sinh học ngành Kinh tế – Kỹ thuật lĩnh vực Công Thương”

Sáng ngày 12/7/2024, tại Trường Đại học Cần Thơ, Vụ Khoa học và Công nghệ – Bộ Công Thương tổ chức chương trình tọa đàm: Đề xuất một số nội dung liên quan đến phát triển Công nghệ Sinh học, Công nghiệp Sinh học phục vụ xây dựng: “Đề án phát triển Công nghiệp Sinh học ngành Kinh tế – Kỹ thuật lĩnh vực Công Thương”.

Tham dự Toạ đàm có GS. Ts. Trần Ngọc Hải – Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Cần Thơ, PGS. Ts. Nguyễn Hiếu Trung – Phó Hiệu Trưởng Trường Đại học Cần Thơ, đại diện các Trường, Khoa, Viện thuộc Trường Đại học Cần Thơ; đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ, Sở Công Thương TP. Cần Thơ và các doanh nghiệp.

Thay mặt Tổ soạn thảo Đề án, TS. Đặng Tất Thành – Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương báo cáo một số thông tin liên quan đến thực trạng phát triển công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến và dự thảo xây dựng “Đề án phát triển Công nghiệp Sinh học ngành Kinh tế – Kỹ thuật lĩnh vực Công Thương”. Đề án đặt ra 10 nội dung thực hiện: Hoàn thiện thể chế, chính sách (sửa đổi, bổ sung quy định, thu hút chuyên gia, nhà khoa học) để phục vụ phát triển công nghiệp sinh học lĩnh vực Công Thương; Phát triển nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ, công nghiệp nặng và năng lượng; Phát triển sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học từ các nguồn nguyên liệu đặc thù vùng, miền; Phát triển năng lực thiết kế, chế tạo thiết bị công nghệ, tự động hóa, công nghệ 4.0 trong lĩnh vực công nghiệp sinh học; Đầu tư tăng cường năng lực các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, ứng dụng; Xây dựng trung tâm kết nối hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp công nghệ sinh học (khởi nghiệp, ươm tạo công nghệ); Phát triển thị trường ngành công nghiệp  sinh học; Đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Triển khai các hoạt động hợp tác quốc tế; Hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu và triển khai các hoạt động thông tin, truyền thông.

Tổ soạn thảo “Đề án phát triển Công nghiệp Sinh học ngành Kinh tế – Kỹ thuật lĩnh vực Công Thương”.

Trao đổi tại buổi Tọa đàm, đại diện Trường Đại học Cần Thơ trao đổi một số thông tin về hoạt động nghiên cứu, đào tạo, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghệ sinh học đã và đang triển khai. Đồng thời, Trường đề xuất một số định hướng phát triển công nghệ sinh học phù hợp với vùng Đồng bằng sông Cửu Long như: công nghệ chế biến tinh nâng cao giá trị nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long; công nghệ vi sinh, vacine, thức ăn trong nuôi trồng thủy sản,…

Ban Giám hiệu Trường Đại học Cần Thơ

Chia sẻ tại buổi Tọa đàm, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ báo cáo một số kết quả đạt được của ngành khoa học công nghệ trong thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 về “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới”. Một số hoạt động nổi bật như: Xét chọn thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực CNSH nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học vào thực tế sản xuất vào đời sốn; tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt Đề án khung các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen cấp thành phố thực hiện giai đoạn 2021-2025 và triển khai thực hiện Đề án; Hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học tham gia các chương trình ươm tạo doanh nghiệp, chương trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đổi mới, hiện đại hóa thiết bị; song song với việc tăng cường năng lực kiểm định, kiểm nghiệm về sinh học, an toàn sinh học của các cơ quan chuyên môn thuộc Sở. Đồng thời chia sẻ những khó khăn về mặt cơ chế, chính sách trong triển khai ứng dụng kết quả từ các nhiệm vụ khoa học công nghệ và đề xuất giải pháp nhằm tạo cơ chế thuận lợi trong việc triển khai các nhiệm vụ thuộc “Đề án phát triển Công nghiệp Sinh học ngành Kinh tế – Kỹ thuật lĩnh vực Công Thương”.

Đại diện Tập đoàn Sao Mai và Công ty Phù Sa Genomic chia sẻ những kết quả ứng dụng công nghệ sinh học tại các doanh nghiệp trong thời gian và đề xuất những nội dung của Đề án nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia vào Đè án. Các ý kiến trao đổi trong buổi Tọa đàm được Tổ soạn thảo tiếp thu, làm cơ sở hoàn thiện Đề án phát triển Công nghiệp Sinh học ngành Kinh tế – Kỹ thuật lĩnh vực Công Thương sao cho phù hợp, sớm trình Chính phủ trong năm 2024.

Đại biểu tham dự Tọa đàm

Đăng ngày: 14/07/2024