Rau xanh là thực phẩm không thể thiếu trong khẩu phần ăn hàng ngày của mỗi người, rau xanh cung cấp các vitamin và khoáng chất thiết yếu, ngoài ra còn cung cấp chất xơ cần thiết cho hoạt động của cơ thể. Theo nghiên cứu của nhiều chuyên gia về dinh dưỡng, nhu cầu rau xanh của cơ thể mỗi người ước khoảng 250-300 gam rau (tương đương với 7,5-8 kg/tháng hay 90-108 kg/năm – Trần Khắc Thi). Thành phố Cần Thơ là một thành phố trung tâm của đồng bằng sông Cửu Long có tổng số dân khoảng 1,2 triệu người (Theo Tổng cục thống kê dân số năm 2014), ước khoảng 60 % dân số trong độ tuổi lao động (tương đương 720.000 người) thì nhu cầu rau trung bình trong độ tuổi này của thành phố ước khoảng 200 tấn rau/ngày (tương đương 72.000 tấn rau/năm). Trong đó, diện tích sản xuất rau các loại hàng năm của thành phố Cần Thơ đạt trên 7.000 ha với sản lượng rau đạt khoảng 90.000 tấn và đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ rau của cả thành phố. Tuy nhiên, việc sản xuất rau quả hiện nay cũng còn gặp nhiều khó khăn vì vầy cần phải có giải pháp để ngành hàng rau quả được phát triển ổn định và bền vững.
I. Thực trạng phát triển rau quả của thành phố Cần Thơ:
Diện tích đất tự nhiên của thành phố Cần Thơ khoảng hơn 140.000 ha, trong đó diện tích đất nông nghiệp chiếm 115.556 ha. Bên cạnh đó, với tốc độ phát triển dân cư vùng đô thị ngày càng tăng cùng với xu hướng phát triển đô thị hóa làm cho diện tích sản xuất nông nghiệp trong vài năm tới ngày càng thu hẹp, do đó diện tích sản xuất rau của các quận, huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ sẽ phân tán, sản xuất không tập trung làm cho năng suất, chất lượng rau không đồng đều, giá trị sản phẩm thấp chưa có tính cạnh tranh cao. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố Cần Thơ hiện nay chưa có nhiều cơ sở, cửa hàng kinh doanh sản phẩm rau an toàn chính thức được cơ sở pháp lý công nhận. Vì thế, người tiêu dùng chưa đặt niềm tin đối với sản phẩm rau an toàn.
Để khắc phục những mặt hạn chế trên, ngành Nông nghiệp thành phố Cần Thơ đã có hướng quy hoạch chi tiết vành đai thực phẩm; thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc thực hiện đề án phát triển vùng sản xuất chuyên canh rau quả tươi an toàn. Mục tiêu đến năm 2020, thành phố Cần Thơ hình thành các vùng chuyên canh rau an toàn với quy mô 750 ha, triển khai trên 75 mô hình tại các địa phương, tổng số hộ tham gia từ 2.000 – 2.250 hộ (mỗi mô hình 10 ha có 25-30 hộ).
Ngoài việc đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rau trong nước cũng như phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu thì ngành Nông nghiệp Cần Thơ đã thực hiện theo Quyết định số 52/2007/QĐ-BNN ngày 05 tháng 6 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp & PTNT về việc “Phê duyệt quy hoạch phát triển rau quả và hoa cây cảnh đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020” thì sản xuất rau hoa quả phải trên cơ sở áp dụng công nghệ cao, trước hết phải thực hiện quy trình sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt (GAP), bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, cạnh tranh với hàng hoá nhập khẩu ngay tại thị trường trong nước và đẩy mạnh xuất khẩu. Trong những năm gần đây diện tích trồng rau màu từng bước phát triển theo vùng tập trung chuyên canh, luân canh phù hợp với từng địa bàn. Đến năm 2014, diện tích rau các loại tăng đáng kể đạt 7.441 ha, tăng 7,8% so năm 2013. Sản lượng rau các loại đạt 99.529 tấn (đạt 101% so kế hoạch năm 2013) cao hơn 8.149 tấn so năm 2013.
Trong thời gian qua, bằng nguồn kinh phí của địa phương như chương trình hỗ trợ giống cây con, dự án rau an toàn, đề án xây dựng vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh rau an toàn của thành phố Cần Thơ đã đã giúp nông dân áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, nâng cao năng suất, từng bước tiếp nhận và áp dụng các quy trình sản xuất an toàn VietGAP; tổ chức liên kết sản xuất tạo các vùng chuyên canh tạo sản phẩm hàng hóa có tính cạnh tranh đáp ứng nhu cầu tiêu thụ rau quả trên thị trường.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn những hạn chế như:
– Nông dân chưa tích cực hợp tác sản xuất rau an toàn. Vì phải áp dụng đúng quy trình kỹ thuật sản xuất rau quả an toàn VietGAP. Trong khi giá rau an toàn và rau thường không chênh lệch trên thị trường; hiệu quả sản xuất của người trồng rau an toàn theo VietGAP không cao hơn người sản xuất rau bình thường.
– Mối liên kết bốn nhà hiện nay chưa chặt chẻ, vẫn còn điệp khúc “được mùa thì rớt giá” có những thời điểm một số rau không tiêu thụ. Từ đó chưa khuyến khích người sản xuất tham gia các mô hình sản xuất rau an tòan VietGAP.
– Rau được trồng quanh năm nhưng tập trung nhiều là các tháng trong mùa khô, nhất là từ tháng 10 đến tháng 12 (chiếm gần 70% diện tích).
– Rau được trồng ở tất cả các quận, huyện trong vùng, nhưng tập trung nhiều ở quận, huyện: Ô Môn và Thốt Nốt, Phong Điền, Bình Thủy…
– Diện tích canh tác rau bình quân/ hộ thường nhỏ, hộ có diện tích trồng rau lớn trên 500 m2 chỉ chiếm khoảng 1,6% tổng số hộ trồng rau.
– Chủng loại rau hết sức đa dạng, trong đó rau ăn lá chiếm 55,5%, rau ăn trái (dưa leo, dưa hấu, bí đao, bí rợ…) chiếm 15,7%, các loại rau khác chiếm 28,8%.
Bảng 1: Diện tích và sản lượng rau các loại TP.Cần Thơ từ 2010-2014
Năm | Diện tích (ha) | Sản lượng (tấn) |
2010 | 7.683 | 89.575 |
2011 | 7.644 | 88.225 |
2012 | 7.745 | 87.361 |
2013 | 7.363 | 91.380 |
2014 | 7.441 | 99.529 |
Tính đến tháng 08/2015 | 6.745 | 32.156 |
– Tỉ lệ nông dân sử dụng giống lai F1, giống chất lượng chiếm 84,6% (giống nhập nội chiếm 40,5% và mua giống địa phương 44,1%) và tự để giống chiếm 15,4%.
– Khả năng đầu tư của nông dân còn hạn chế, chưa mạnh dạn mở rộng diện tích và chưa quan tâm đến sản xuất rau an toàn, do thị trường tiêu thụ sản phẩm rau an toàn còn ít, giá cả thấp và chưa có thương hiệu cho sản phẩm.
Thực hiện sự chỉ đạo của Sở Nông nghiệp & PTNT TP.Cần Thơ là phát triển sản xuất nông nghiệp theo định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp – nông thôn, xây dựng và mở rộng vùng rau an toàn theo hướng công nghệ cao và quy hoạch phát triển các vùng sản xuất rau trên một số quận huyện của thành phố Cần Thơ như Phong Điền, Bình Thuỷ, Ô Môn, Thốt Nốt, Cái Răng. Đến năm 2014 đã gieo trồng 2.079 ha, sản lượng đạt 32.280 tấn. Bên cạnh đó, với nguồn kinh phí hoạt động khuyến nông, Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư thành phố Cần Thơ cũng đã triển khai mô hình “Kỹ thuật sản xuất rau theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm” nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm và an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng góp phần bảo vệ môi trường, kết quả triển khai cho thấy:
– Đối với rau ăn trái
Các loại rau ăn trái được nông dân chọn thực hiện gồm: bí hạt đậu, bí đao, dưa leo, khổ qua, đậu que….
*Hiệu quả kinh tế:
– Tổng chi phí sản xuất bình quân: 3.500.000-4.000.000đ/1.000 m2
– Tổng lợi nhuận bình quân: 1.500.000đ/1.000 m2.
– Mô hình trồng dưa leo theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm: Năng suất bình quân 45 tấn/ha, giá bán 4.500đ/kg, lợi nhuận ước đạt 100.000.000 đ/ha.
– Đối với rau ăn lá:
Các loại rau được nông dân chọn thực hiện gồm: xà lách, cải ngọt, cải xanh, rau dền, mồng tơi, cải thìa. Năng suất trung bình 12 -13 tấn/ha. Do mô hình thực hiện vào vụ Hè Thu, thời tiết không thuận lợi và giá bán sản phẩm không cao nên bà con không lời nhiều (lợi nhuận khoảng 800.000-1.200.000đ/1.000m2).
* Hiệu quả về môi trường: Trong quá trình sản xuất, nông dân trồng rau phun thuốc BVTV ít hơn và tăng cường bón phân hữu cơ nên sản phẩm rau được an toàn.
* Hiệu quả xã hội: Nông dân thực hiện mô hình có nhận thức sản xuất rau theo hướng an toàn VSTP, có ghi sổ nhật ký sản xuất.
* Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật mới cho mô hình sản xuất rau an toàn:
– Sử dụng các giống lai F1, giống chất lượng có năng suất cao phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu thụ.
– Sử dụng màng phủ nông nghiệp và bón phân hữu cơ trong quá trình canh tác.
– Sử dụng nguồn nước tưới sạch, không ô nhiễm.
– Phòng trừ dịch hại theo IPM.
– Che lưới, đặt bẫy dẫn dụ côn trùng.
– Ứng dụng các chế phẩm sinh học trong phòng trừ sâu bệnh: Tricoderma, chế phẩm sinh học khác; các thuốc trừ sâu có nguồn gốc sinh học, thảo mộc,…
– Thu hoạch đúng thời điểm và đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hái rau.
– Thu hoạch rau non (như: dưa leo non, rau muống non,…) là một trong biện pháp mới vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa tăng giá trị dinh dưỡng trong rau và đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng do hạn chế sử dụng thuốc BVTV.
– Xử lý rau sau khi thu hoạch bằng máy sục khí Ozone.
II. Những thuận lợi, khó khăn:
1. Thuận lợi:
– Điều kiện khí hậu đất đai và khí hậu dễ chịu, ít bão, thời tiết quanh năm nóng ẩm với hai mùa rõ rệt phù hợp cho sự phát triển các loại rau nhiệt đới.
– Có chính sách quy hoạch trồng trọt và quy hoạch vành đai thực phẩm của thành phố và từng bước đi vào định hướng phát triển.
– Có sự phối hợp chỉ đạo chặt chẽ giữa ngành nông nghiệp với các địa phương và sự nỗ lực của bà con nông dân đã thúc đẩy sản xuất phát triển ổn định.
– Người nông dân dần có ý thức thực hành sản xuất rau theo hướng dẫn ATVSTP, hệ thống quản lý chất lượng quốc tế đã góp phần nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông sản xuất khẩu.
– Chủng loại giống rau thích nghi cho từng vùng và vật tư thuốc BVTV rất đa dạng và phong phú. Có nhiều loại phân bón và thuốc sinh học đáp ứng yêu cầu sản xuất rau sạch.
– Có thể tạo ra các sản phẩm rau sạch an toàn và chất lượng cao trong điều kiện canh tác tự nhiên ngoài đồng theo hướng công nghệ cao.
2. Hạn chế, khó khăn:
– Diện tích trồng còn nhỏ lẻ, thường không tập trung gặp khó khăn trong quản lý và kiểm soát số lượng, sản lượng và chất lượng cũng như việc chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất theo hướng GAP,
– Tình hình biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng một phần đến đến việc ứng dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất cây trồng.
– Một số loại rau an toàn chưa được chứng nhận chất lượng sản phẩm, nên không có thương hiệu. Đây cũng là điểm yếu cho việc lưu thông hàng hóa vào các siêu thị và xuất khẩu.
– Trình độ nông dân còn hạn chế nên một số nông dân còn gặp khó khăn trong tiếp thu, ứng dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất theo hướng GAP.
– Giá cả thị trường không ổn đinh, một số hợp tác xã rau an toàn hoạt động chưa hiệu quả, chưa đảm bảo hết đầu ra cho sản phẩm, nên một số lượng rau an toàn phải bán ra chợ nhỏ với giá ngang bằng với rau thường.
– Thiếu sự tuyên truyền của cơ quan truyền thông trong việc sử dụng rau sạch và quảng bá sản phẩm cho người trồng rau.
III. Định hướng phát triển rau quả thành phố Cần Thơ trong thời gian tới
– Trong những năm tới, ngành Nông nghiệp thành phố Cần Thơ tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 3382/QĐ-UBND ngày 08 tháng 12 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ về Quy hoạch chi tiết Vành đai thực phẩm thành phố Cần Thơ;
– Đẩy mạnh và thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp TP. Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững và đề án phát triển vùng sản xuất chuyên canh sẽ xây dựng các vùng rau quả tươi an toàn, ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, phát triển mô hình nông nghiệp đô thị; nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP.
– Thực hiện theo đề án phát triển vùng chuyên canh sản xuất rau an toàn, tập huấn chuyển giao kỹ thuật canh tác rau an toàn cho nông dân theo tiêu chuẩn VietGAP và ứng dụng công nghệ cao, hướng dẫn phân loại sơ chế bảo quản rau sau khi thu hoạch.
IV. Một số đề xuất và giải pháp phát triển rau của TP.Cần Thơ:
– Tăng cường xây dựng, củng cố hệ thống thủy lợi để đảm bảo chủ động trong việc cung cung cấp nước tưới và thoát nước cho phù hợp.
– Việc hình thành các khu NNCN cao trên địa bàn thành phố trong những năm tới sẽ tạo điều kiện cho người sản xuất tiếp cận được nhiều giống mới, giống chất lượng cao, đồng thời ứng dụng quy trình kỹ thuật theo hướng công nghệ, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và kỹ thuật canh tác cho người trồng rau.
– Tăng cường công tác tuyên truyền, huấn luyện và vận động nông dân tham gia sản xuất rau an toàn theo hướng VietGap, tiến tới hình thành các nhóm liên kết sản xuất rau trong vùng quy hoạch.
– Phát triển thêm các địa điểm, các cửa hàng kinh doanh sản phẩm rau an toàn trên thành phố để người tiêu dùng biết đến và an tâm trong việc sử dụng.
– Quy hoạch vùng sản xuất tập trung cho từng loại rau, quả, là nguồn nguyên liệu cung ứng cho thị trường tiêu thụ trong nước (các chợ đầu mối TPHCM,..) và xuất khẩu.
– Để đáp ứng theo nhu cầu của người tiêu dùng, đối với một số loại rau có thể thu hoạch rau non vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe và nâng cao giá trị dinh dưỡng cho người tiêu dùng.
– Phải kết hợp chặt chẽ giữa các giải pháp kỹ thuật và quản lý. Đặc biệt quản lý kế hoạch sản xuất, quản lý kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV và hoá chất nông nghiệp, phải hết sức coi trọng khâu kỹ thuật sản xuất./.
TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG – KHUYẾN NGƯ
Tài liệu tham khảo:
1. Sở Nông nghiệp và PTNT TP.Cần Thơ, Quy hoạch chi tiết vành đai thực phẩm thành phố Cần Thơ đến năm 2020.
2. Sở Nông nghiệp và PTNT TP.Cần Thơ (2014), Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch sản xuất Nông nghiệp và PTNT năm 2014; Kế hoạch năm 2015.
3. UBND thành phố Cần Thơ (2013), Đề án phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh thành phố Cần Thơ. (Ban hành kèm theo Quyết định số 3425 /QĐ-UBND ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Ủy ban nhân dân TP.Cần Thơ)
4. Chi cục Bảo vệ thực vật TP.Cần Thơ, 2015. Báo cáo tình hình sản xuất rau, quả năm tính đến tháng 8/2015.
5. Trung tâm Khuyến nông-Khuyến ngư TP.Cần Thơ, 2015. Báo cáo kết quả thực hiện các mô hình khuyến nông năm 2014.
6. Cần thơ phát triển vùng chuyên canh
TRUNG TÂM KHUYẾN NÔNG – KHUYẾN NGƯ
Đăng ngày: 24/09/2015