Thành phố Cần Thơ với diện tích nuôi thủy sản tiềm năng là 51.000 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hàng năm trên 10.000 ha với sản lượng trên 190.000 tấn.
Với vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở trung tâm của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL), Thành phố Cần Thơ không ngừng đẩy mạnh phát triển nuôi trồng, chế biến thủy sản và hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. Thực hiện Nghị quyết số 45/NQ-TW của Bộ Chính trị ngày 17/02/2005, thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm kinh tế trọng điểm của vùng ĐBSCL, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế của toàn vùng. Thêm vào đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT đang lập kế hoạch xúc tiến đầu tư xây dựng Trung tâm phát triển thủy sản vùng ĐBSCL tại thành phố Cần Thơ, việc này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của toàn ngành thủy sản thông qua liên kết với các vệ tinh trong vùng. Ngoài ra, với lợi thế là nơi tập trung nhiều Trường Đại học, Viện nghiên cứu và các Trung tâm dạy nghề nên ứng dụng được các kết quả nghiên cứu, các thành tựu khoa học công nghệ vào thực tiển sản xuất. Từ đó, ngày càng nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả sản xuất và giải quyết những khó khăn, thách thức. Hướng đến mục tiêu đẩy mạnh phát triển ngành thủy sản ngày càng ổn định và bền vững.
1. Hiện trạng nuôi trồng thủy sản ở thành phố Cần Thơ
Thành phố Cần Thơ với diện tích nuôi thủy sản tiềm năng là 51.000 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản hàng năm trên 10.000 ha với sản lượng trên 190.000 tấn. Năm 2014, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản ở thành phố Cần Thơ là 13.195 ha, sản lượng 196.815 tấn. Trong đó, diện tích nuôi cá Tra là 831 ha, sản lượng 150.634 tấn. Ngoài đối tượng chủ lực là cá Tra, thành phố Cần Thơ còn đẩy mạnh phát triển ngành thủy sản theo hướng đa dạng hóa đối tượng nuôi, nhiều đối tượng thủy sản nội địa được phát triển nuôi thương phẩm trên ao với diện tích 336 ha và sản lượng 15.600 tấn, một số đối tượng nuôi chủ yếu là: cá Lóc, cá Trê, cá Rô đồng, cá Thát lát còm… Tận dụng diện tích mặt nước mùa lũ hàng năm, nghề nuôi cá ruộng cũng được duy trì với diện tích 8.846 ha, sản lượng 7.069 tấn; diện tích nuôi Tôm càng xanh là 60 ha với sản lượng 59 tấn. Bên cạnh đó, thành phố Cần Thơ còn phát triển nghề nuôi thủy sản lồng bè với trên 200 bè cá, chủ yếu là cá Rô phi, cá Điêu Hồng, cá thát lát còm với sản lượng 2.095 tấn. Thêm vào đó, một số đối tượng thủy đặc sản cũng được phát triển nuôi như: Lươn, Ếch, cá Chạch lấu…
Hiện nay, Chi cục Thủy sản đang phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc Gia Thực hiện Dự án “Hỗ trợ xây dựng mô hình nuôi cá Tra thâm canh đạt chứng nhận VietGAP”, tổ chức 03 lớp tập huấn về tiêu chuẩn vietGAP và xây dựng mô hình điểm VietGAP ở 03 cơ sở nuôi cá Tra thâm canh trên địa bàn thành phố. Đồng thời, để phát triển ổn định nghề nuôi cá Tra, Chi cục Thủy sản đang tham mưu Sở NN&PTNT xem xét trình UBND TP Cần Thơ phê duyệt Dự án “Xây dựng cơ sở hạ tầng Vùng nuôi cá Tra tập trung ở Phường Tân Lộc, quận thốt Nốt”; Dự án “khu sản xuất giống tập trung” với quy mô 200 ha tại huyện Cờ Đỏ; Đề án hỗ trợ cơ sở nuôi cá Tra trên địa bàn thành phố cần Thơ áp dụng Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) giai đoạn 2015-2016; xây dựng Kế hoạch quan trắc môi trường giai đoạn 2015-2016, thành lập một số trạm quan trắc môi trường phục vụ nghề nuôi cá Tra ở các khu nuôi tập trung.
1.1. Về giống thủy sản
Để phát triển ổn định ngành nuôi trồng thủy sản, trước tiên việc nâng cao chất lượng con giống là mục tiêu cấp thiết. Năm 2011, Thành phố Cần Thơ thực hiện Dự án Chuyển giao công nghệ sản xuất giống cá tra có chất lượng di truyền cao về tính trạng tăng trưởng của Bộ Nông nghiệp và PTNT, thành phố Cần Thơ được nhận hỗ trợ 2.500 con cá tra hậu bị từ Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy Sản II (Viện Nghiên cứu NTTS II) cho 03 Cơ sở sản xuất giống nhằm cung ứng nhu cầu cá giống chất lượng cao cho địa phương. Bên cạnh đó, Chi cục Thủy sản Cần Thơ còn thực hiện đề tài: “Ứng dụng kỹ thuật sinh học phân tử để đánh giá mức độ di truyền trong sản xuất giống cá tra ở ĐBSCL” phục vụ cho công tác chọn giống và sản xuất con giống chất lượng cao cho địa phương.
Ngoài ra, ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống tôm càng xanh toàn đực theo công nghệ Israel, góp phần tăng năng suất và lợi nhuận cho người nuôi.
Thêm vào đó, để đánh giá được hiện trạng đa dạng sinh học thành phần loài thủy sản bản địa. Năm 2011, Chi cục thủy sản Cần Thơ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện Đề tài “Đánh giá và đề ra biện pháp bảo vệ, phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản của thành phố Cần Thơ”. Từ đó, đánh giá hiện trạng nguồn lợi thủy sản trên địa bàn thành phố, cảnh bảo một số loài thủy sản có nguy cơ bị biến mất dưới tác động của nhiều yếu tố. Một số loài thủy sản bản địa đã được nghiên cứu và sản xuất giống thành công nhờ kết quả của việc ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật. Hiện nay, thành phố Cần Thơ đã chủ động được nguồn giống nhân tạo phục vụ cho nghề nuôi thương phẩm một số đối tượng thủy sản nội địa như: cá Lóc, cá Thát lát còm, Lươn giống nhân tạo, cá Chạch lấu…
Ngoài việc phát triển công nghệ sản xuất giống thủy sản phục vụ nhu cầu đa dạng hóa đối tượng nuôi của địa phương, thành phố Cần Thơ cũng không ngừng nâng cao chất lượng giống thủy sản. Tuy nhiên, hiện nay con giống chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất. Do đó, để đảm bảo đáp ứng nhu cầu con giống chất lượng cao cho địa phương, Thành phố Cần thơ đang xây dựng Trung tâm giống thủy sản cấp I ở huyện Vĩnh Thạnh và dự kiến đưa vào hoạt động cuối năm 2015.
1.2. Về thức ăn thủy sản
Bên cạnh việc chủ động con giống, nghiên cứu cải thiện công nghệ chế biến thức ăn cũng là nhiệm vụ cấp thiết. Hoàn thiện công thức thức ăn cho đối tượng thủy sản nuôi chủ lực (cá tra) được thực hiện thường xuyên nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng thức ăn, giảm chi phí sản xuất và bảo vệ môi trường.
Thêm vào đó, nghiên cứu nhu cầu dinh dưỡng của động vật thủy sản để chuyển đổi từ thức ăn tươi sống sang thức ăn công nghiệp trên các đối tượng như: cá Lóc, cá Thát Lát còm, Ếch, cá Chạch Lấu… để góp phần chủ động nguồn thức ăn, nhằm đảm bảo nuôi thủy sản an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và phát triển thủy sản bền vững.
Ứng dụng thành tựu nghiên cứu về nhu cầu dinh dưỡng của động vật thủy sản, công nghệ sản xuất thức ăn đã đáp ứng được nhu cầu dinh dưỡng cho đối tượng thủy sản nuôi. Thời gian qua, Chi cục Thủy sản đã phối hợp với công ty thức ăn Ewos nghiên cứu ứng dụng thức ăn công nghiệp nuôi cá Lóc, cá Thát Lát còm trong ao nuôi thâm canh. Kết quả cho thấy hiệu quả sử dụng thức ăn công nghiệp của cá Lóc, cá Thát Lát còm rất cao. Sử dụng thức ăn có hàm lượng đạm 40%, cho hệ số chuyển hóa thức ăn (FCR) trung bình 1,2 đối với cá Lóc và FCR là 1,6 đối với cá thát lát còm nuôi thâm canh trên ao. Qua đó, người nuôi có thể chủ động được nguồn thức ăn, thâm canh tăng sản lượng, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và hạn chế dịch bệnh.
1.3. Về kỹ thuật nuôi thủy sản
Hoàn thiện quy trình nuôi thâm canh một số đối tượng thủy sản chủ lực của địa phương nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Cá Tra là đối tượng xuất khẩu chủ lực của thành phố Cần Thơ với sản lượng hàng năm trên 150.000 tấn. Việc áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn an toàn thực phẩm trong nuôi thủy sản phục vụ xuất khẩu là rất cần thiết. Đến nay, diện tích nuôi cá Tra được chứng nhận theo tiêu chuẩn đạt 51,42 ha, bao gồm: 10 ha đạt được 03 chứng nhận: ASC, GlobalGAP, BAP; 18,92 ha đạt chứng nhận VietGAP (3 Trang trại và 2 công ty đạt chứng nhận VietGAP); 7,5 ha đạt chứng nhận GlobalGAP, 15 ha có chứng nhận BAP.
Một số mô hình nuôi thủy sản thâm canh ở thành phố Cần Thơ đang được hoàn thiện và áp dụng rộng rãi như: nuôi cá Lóc, cá Rô đầu vuông, cá Thát Lát còm, Lươn, cá Chạch Lấu bằng con giống nhân tạo và sử dụng thức ăn công nghiệp.
Hiện nay, mô hình cá Lóc nuôi thâm canh trên ao đất mang lại lợi nhuận cao cho người nuôi. Khi sử dụng thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm 40% nuôi cá Lóc, hệ số FCR trung bình 1,2. Sau vụ nuôi 5 tháng, mô hình nuôi cá Lóc thâm canh cho năng suất bình quân 300 tấn/ha. Giá thành 28.000 đồng/kg, với giá bán hiện tại là 40.000 đồng/kg, người nuôi cá Lóc có lời 12.000 đồng/kg sản phẩm. Để nâng cao chất lượng sản phẩm, Cá Lóc cũng được nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP (1,25 ha ở Thốt Nốt).
Mô hình nuôi cá Rô đầu vuông thâm canh trên ao với thời gian nuôi ngắn, giảm thiểu rủi ro và mang lại lợi nhuận cao. Cá giống được người nuôi tự ương hoặc mua ở các vùng lận cận. Thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm 30% được sử dụng trong suốt quy trình nuôi, hệ số FCR từ 1,2 -1,3. Sau 3 tháng nuôi cá đạt kích cỡ 3 con/kg thì thu hoạch với năng suất 35 – 40 tấn/ha. Giá thành bình quân 18.000 – 20.000 đồng/kg, với giá bán 26.000 đồng/kg, người nuôi có lời từ 6.000 – 8.000 đồng/kg.
Đối với cá thát lát còm, có 02 mô hình nuôi chủ yếu đó là nuôi thâm canh trên ao đất và nuôi trên vèo. Khi nuôi thâm canh trên ao sử dụng thức ăn hàm lượng đạm 40%, kết quả cho hệ số chuyển hóa thức ăn FCR là 1,5-1,6. Thu hoạch sau 8 tháng nuôi với sản lượng bình quân 35 – 40 tấn/ha. Ngoài ra, phát triển nuôi cá Thát Lát còm trên vèo lưới cho các hộ có ít diện tích đất sản xuất cũ ng mang lại hiệu quả cao, sản lượng bình quân 20 kg/m2 vèo. Cá thát lát còm là đối tượng nuôi mang lại lợi nhuận cao, giá thành bình quân 45.000 đồng/kg, với giá bán hiện tại 68.000 đồng/kg, người nuôi lời 23.000 đồng/kg sản phẩm.
Đối với thủy đặc sản, duy trì và ổn định nghề nuôi thâm canh tôm càng xanh trên ruộng lúa sử dụng giống tôm càng xanh toàn đực sản xuất theo công nghệ Isreal cho năng suất tăng từ 800kg/ha (đối với TCX giống bình thường) lên 1 tấn/ha (đối với TCX giống toàn đực sản xuất theo công nghệ Israel), lợi nhuận tăng từ 35 – 40 triệu đồng/ha.
Ngoài ra, duy trì diện tích nuôi lươn ở huyện Vĩnh Thạnh, huyện Cờ Đỏ (hiện có khoảng 900 bể bạt nuôi lươn diện tích bình quân 40 m2/bể, sản lượng bình quân 450 kg/bồn); chuyển đổi phương thức sản xuất của người dân từ mô hình nuôi lươn truyền thống trên bể lót bạt có bùn sang phương thức nuôi lươn trên bể bạt không bùn bằng con giống nhân tạo và thức ăn công nghiệp. Lươn giống nhân tạo với kích cỡ từ 10 – 15cm (2 tháng tuổi) đã được nuôi bằng thức ăn công nghiệp hàm lượng đạm 40% cho hệ số FCR 3.5, sau thời gian nuôi 8 – 10 tháng lươn đạt kích cỡ 250 – 300g/con, tỷ lệ sống trên 90%. Với giá thành 80.000 – 90.000 đồng/kg, giá bán bình quân 140.000 – 160.000 đồng/kg, như vậy mô hình nuôi lươn mang lại lợi nhuận cho người nuôi từ 50.000 – 80.000 đồng/kg. Nghề nuôi Lươn đang được chú trọng phát triển, không ngừng mở rộng diện tích nuôi cũng như là gia tăng sản lượng và nâng cao chất lượng. Do đó, thành phố Cần Thơ đẩy mạnh phát triển nghề nuôi lươn, tăng sản lượng lên 20 – 30 kg/m2, nâng cao tỷ lệ sống và tạo sản phẩm đặc sản cho địa phương. Nhiều tiêu chuẩn chất lượng đang được người nuôi áp dụng cho mô hình nuôi Lươn như MetroGAP (800 m2 ở Cờ Đỏ), VietGAP (3.400 m2 ở Vĩnh Thạnh).
Ếch đồng cũng được xem là một trong những đối tượng thủy đặc sản có thời gian nuôi ngắn, ít tốn công chăm sóc và là mô hình nuôi hiệu quả. Nhiều hộ nuôi ếch đồng xây dựng tiêu chuẩn MetroGAP và được siêu thị Metro bao tiêu sản phẩm nên đây được cũng là mô hình được người nuôi quan tâm và có đầu ra ổn định. Với thời gian nuôi ngắn, sau 2 tháng nuôi ếch đạt kích cỡ bình quân 300 g/con và cho năng suất cao (20 – 30 kg/m2). Với giá thành 19.000 – 20.000 đồng/kg, giá bán 25.000 đồng/kg, người nuôi có lời từ 5.000-6.000 đồng/kg.
Bên cạnh đó, bước đầu nghiên cứu nuôi cá chạch lấu thâm canh trên ao đất, nuôi cá chạch lấu trên ruộng với sản lượng 01 tấn/năm. Cá Chạch lấu giống nhân tạo (12 – 15cm) được thử nghiệm nuôi trên ao đất với mật độ 5 con/m2, thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm 42% được sử dụng trong suốt quy trình nuôi. Sau 10 – 12 tháng nuôi cá đạt kích cỡ 300 g/con, tỷ lệ sống 60%, sản lượng 800 – 900 kg/1.000m2.
Với mục tiêu đa dạng hóa sản phẩm thủy sản xuất khẩu, thành phố Cần Thơ chú trọng phát triển nghề nuôi cá Rô Phi, đang nghiên cứu hoàn thiện quy trình nuôi thâm canh cá rô phi trên ao nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đến nay, diện tích nuôi cá Rô Phi thâm canh trên ao ở thành phố cần Thơ là 40 ha, bước đầu quy hoạch nuôi thâm canh cá Rô Phi trong ao nhằm tăng sản lượng, tạo sản phẩm chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.
Ngoài ra, để phát triển nền kinh tế theo hướng nông nghiệp đô thị thì Cá cảnh cũng là đối tượng được chú trọng phát triển trong những năm gần đây. Trong đó, cá Tai Tượng da beo đã hoàn thiện quy trình sản xuất giống và hiện đang mở rộng diện tích nuôi cung ứng cho thị trường thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận. Cá Tai Tượng da beo là một trong những đối tượng nuôi mang lại lợi nhuận cao và thích hợp cho những vùng đô thị có ít diện tích đất sản xuất. Cá được ương nuôi từ cá bột với mật độ ương 500 con/m2, sau 2 tháng ương cá được chuyển sang bể nuôi với mật độ 80 – 100 con/m2. Thức ăn chủ yếu dùng ương nuôi cá tai tượng da beo là trùng chỉ, tép, thức ăn công nghiệp 40% đạm. Sau thời gian ương nuôi 5 tháng, tỷ lệ sống 90%, cá đạt kích cỡ 10cm chiều dài thì phân loại và xuất bán. Với chi phí đầu tư từ 7.000 – 9.000 đồng/con, giá bán 13.000 – 15.000 đồng/con, người nuôi có lời từ 3.000 – 6.000 đồng/con.
Trong thời gian tới, nhiều mô hình nuôi thủy sản được xây dựng ở thành phố Cần Thơ bằng cách ứng dụng công nghệ nuôi hiện đại như: nuôi lươn, nuôi cá Chạch Lấu, cá cảnh trong hệ thống tuần hoàn nhằm tăng năng suất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và kiểm soát dịch bệnh.
2. Một số công nghệ mới trong nuôi trồng thủy sản
Xu hướng thâm canh hóa nghề nuôi thủy sản là nguyên nhân dẫn đến việc môi trường nuôi ngày càng xấu đi và tạo điều kiện cho dịch bệnh bùng phát thường xuyên hơn, diễn biến ngày càng phức tạp hơn. Việc thay nước thường xuyên là phương pháp truyền thống để kiểm soát chất lượng nước và năng suất của các trang trại nuôi tôm cá ở quy mô thâm canh. Thông thường, nước ao sẽ được thay bằng nước sạch với tần suất cao ngay khi chất lượng nước trong ao có dấu hiệu suy giảm. Các vấn đề môi trường và dịch bệnh là nguyên nhân dẫn đến nhiều nghiên cứu được thực hiện và các quy trình công nghệ nuôi trồng thủy sản ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật ra đời như: Công nghệ nuôi thủy sản tuần hoàn (RAS), hệ thống nuôi thủy sản Raceway, công nghệ Biofloc, công nghệ Aquaponic,…các công nghệ này ngày càng phổ biến và ứng dụng rộng rãi nhằm tăng sản lượng, nâng cao tính an toàn sinh học, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng của dịch bệnh. Phát triển nghề nuôi thủy sản ngày một bền vững, thân thiện với môi trường, đảm bảo có những sản phẩm sạch, chất lượng cao.
2.1. Công nghệ nuôi trồng thủy sản tuần hoàn
Hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn (RAS) là hệ thống thiết bị tự động và bán tự động đưa nước thải sau khi ương nuôi vào bể lọc sinh học và cung cấp nước sau lọc đã được làm sạch trở lại hệ thống bể ương nuôi thủy sản. Cứ như vậy tạo thành một hệ thống hoàn lưu nước cho ương nuôi thủy sản. Các chất thải ô nhiễm hữu cơ và dinh dưỡng khoáng liên tục được làm sạch bằng màng lọc sinh học (hai dòng vi khuẩn hiếu khí Nitrosomonas và Nitrobacter có vai trò chính trong việc chuyển hóa sinh học) và chất lượng nước liên tục được duy trì đảm bảo chất lượng nước cho quá trình ương nuôi.
Nhìn chung, hệ thống nuôi thủy sản tuần hoàn có diện tích nhỏ, tiết kiệm nước so với những hệ thống nuôi truyền thống và ổn định môi trường tốt cho thủy sinh vật phát triển. Bên cạnh đó, quy trình nuôi theo công nghệ tuần hoàn còn có thể áp dụng nuôi thâm canh tăng năng suất, kiểm soát dịch bệnh và giảm thiểu rủi ro cho nghề nuôi.
Công nghệ ương nuôi thủy sản trong hệ thống tuần hoàn được nghiên cứu và ứng dụng từ rất sớm, đã có nhiều nghiên cứu mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thực tiển sản xuất. Ứng dụng hệ thống tuần hoàn trong ương ấu trùng tôm càng xanh (Đỗ Thị Thanh Hương, 1986); ương ấu trùng tôm sú (Thạch Thanh và ctv, 1999); nuôi cá lóc (Channa striata) (Nguyễn Đăng Khoa, 2012). Hiện nay, nhiều mô hình nuôi thủy sản tuần hoàn được ứng dụng rộng rải cho nhiều đối tượng thủy sản như: cá Rô phi, cá Chình, cá cảnh…một số đối tượng thủy sản khác cũng đang được nghiên cứu nuôi tuần hoàn như cá Tra, Lươn và cá Chạch lấu.
2.2. Công nghệ Biofloc
Công nghệ Biofloc (BFT) là kết quả của quá trình thử nghiệm và phát triển hệ thống ao nuôi được sục khí và khuấy đảo thường xuyên. Quy trình nuôi Biofloc giúp thâm canh hóa nghề nuôi thủy sản, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguồn tài nguyên nước, tái sử dụng protein dưới dạng sinh khối vi khuẩn và hạn chế dịch bệnh.
Vi sinh vật dị dưỡng sử dụng C hữu cơ được bổ sung và nguồn nitơ thải ra từ thức ăn để tổng hợp nên protein. Carbohydrate được bổ sung định kỳ thông qua các nguồn chứa C như: tinh bột, rỉ đường, cám gạo, glycerol,… Tỷ lệ C:N >12,5 : 1 tối ưu để hình thành biofloc. Kích thước hạt floc thường dao động từ 0,1 đến vài mm. Nhiều nghiên cứu cho thấy Biofloc có giá trị dinh dưỡng cao, lượng protein tinh mà cá đồng hóa từ biofloc tương đương với 25 – 50% lượng protein tinh đồng hóa từ thức ăn nuôi truyền thống. Hàm lượng dinh dưỡng trong Biofloc chứa protein thô từ 25-49%; lipid từ 0,46-0,83%; carotenoid từ 60-163mg/kg; ngoài ra trong biofloc còn có một số emzyme, các dưỡng chất như khoáng vi lượng và amino acid.
Hiện nay, công nghệ biofloc đã được nghiên cứu hoàn chỉnh và ứng dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới. Biofloc được ứng dụng nuôi siêu thâm canh một số đối tượng như cá Rô Phi, Tôm he. Mật độ nuôi tôm siêu thâm canh tối thiểu 300 con/m3 (có thể lên đến 900 con/m3) và năng suất điển hình 3 – 6 kg/m3. Năng suất nuôi của các hệ thống như thế này thường ở mức 30 – 60 tấn tôm/ha hay 100 – 300 tấn cá/ha với chi phí sản xuất giảm khoảng 15-20% và nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh thấp do không cần phải thay nước trong toàn bộ thời gian nuôi (Yoram Avnimelech, 2012).
Để vận hành hệ thống Biofloc hiệu quả hơn, các kênh nuôi nước chảy (Raceway) được sử dụng trong nuôi thủy sản siêu thâm canh nhằm tiết kiệm chi phí và đảm bảo vận hành ổn định hệ thống nuôi. Hệ thống sử dụng một máy phun Venturi truyền động bằng bơm để đưa không khí và/hay oxy bổ sung vào hệ thống ống phân phối trung tâm lắp dọc theo đáy của các kênh nuôi raceway để trộn nước hay thông khí.
Ngoài ra, công nghệ Biofloc còn được ứng dụng bên ngoài ao nuôi, chất thải nuôi trồng thủy sản được xử lý tạo thành biofloc trong các bể vi sinh đặt bên ngoài ao nuôi, nhờ đó mà nước thải có nhiều chất rắn và N sẽ trở thành một nguồn nguyên liệu có giá trị cho ngành thủy sản. Công nghệ biofloc thực hiện bên ngoài hệ thống nuôi đang trong giai đoạn thử nghiệm: SBR – xử lý nước thải theo mẻ, kế tiếp nhau và MBR – xử lý nước thải theo mẻ, sử dụng màng lọc để tách biofloc ra khỏi nước đã được xử lý, kết quả cho thấy nhiều triển vọng.
2.3. Công nghệ Aquaponic
Aquaponics là một hệ thống tích hợp đồng thời giữa nuôi trồng thủy sản và thủy canh. Aquaponics là giải pháp lý tưởng cho việc xử lý chất thải giàu dinh dưỡng từ bể nuôi cá và tái sử dụng dưỡng chất để cung cấp cho đời sống thực vật với các chất dinh dưỡng cần thiết để hệ thống phát triển một cách bền vững. Thức ăn cho cá là yếu tố đầu vào chính của một hệ thống aquaponic, cá ăn thức ăn và sau đó bài tiết ra chất thải. Trong quá trình dị dưỡng hiếu khí, vi khuẩn nitrate hóa (Nitrosomonas, Nitrobacter) chuyển hóa chất thải từ cá thành chất dinh dưỡng cho cây trồng thủy canh.
Aquaponics là phương pháp canh tác bền vững, thân thiện với môi trường, chi phí vận hành thấp không cần phải thay nước hay thêm phân bón hóa học và không cần diện tích lớn. Aquaponic là một trong những công nghệ tiên tiến phù hợp với các nơi có đất trồng khan hiếm và thiếu nguồn nước tưới. Đây được xem là một trong những công nghệ nuôi thủy sản triển vọng thích hợp phát triển ở các vùng nông nghiệp đô thị.
3. Một số văn bản quy phạm pháp liên quan đến việc ứng dụng khoa học công nghệ
Xây dựng các Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về nuôi thương phẩm và sản xuất giống các đối tượng thủy sản như cá tra, cá rô phi, tôm cành xanh, các tiêu chuẩn nuôi thủy sản ATTP. Khuyến khích người nuôi áp dụng Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP) để nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuyên truyền một số văn bản pháp luật như:
– Luật Công nghệ cao đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII, kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008.
– Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012 của của Thủ tướng Chính Phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển Khoa học và Công nghệ giai đoạn 2011 – 2020.
– Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về về việc phê duyệt chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020.
– Triển khai thực hiện tốt Quyết định số 176/QĐ-TTg, ngày 29 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến 2020.
– Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 9/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ Về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
– Triển khai Thông tư 71/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 25 tháng 10 năm 2011 về Ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực Thú y.
– Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT do Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành ngày 27 tháng 12 năm 2014 quy định điều kiện đảm bảo ATTP và phương thức quản lý đối với các Cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ.
4. Định hướng ứng dụng công nghệ mới trong phát triển nuôi trồng thủy sản ở thành phố Cần Thơ
Đào tạo nhân lực có trình độ khoa học kỹ thuật cao, có khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại trên thế giới phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của vùng để phát triển ngành thủy sản địa phương.
Ứng dụng rộng rãi các thành tựu khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản.
Đối với giống thủy sản, du nhập nguồn giống hậu bị chất lượng cao và đa dạng hóa đối tượng nuôi. Nghiên cứu công nghệ gen để chọn giống, nghiên cứu sản xuất giống thủy sản có tốc độ tăng trưởng nhanh; sản xuất giống thủy sản đơn tính, sạch bệnh.
Nhập các thiết bị, các qui trình sản xuất giống, qui trình nuôi tiên tiến ở các nước có điều kiện tương đồng với Thành phố và vùng ĐBSCL. Ứng dụng và hoàn thiện các công nghệ nuôi thủy sản hiện đại như: nuôi thủy sản tuần hoàn (RAS), công nghệ Biofloc, công nghệ Aquaponic nhằm tăng năng suất, hạn chế dịch bệnh và bảo vệ môi trường.
Phối hợp với các Trường Đại Học, Viện nghiên cứu để đẩy mạnh công tác chuyển giao công nghệ, chuyển giao các qui trình sản xuất giống, ứng dụng qui trình nuôi đã nghiên cứu thành công của các đối tượng có giá trị kinh tế để đưa vào thực tiển sản xuất.
Tổ chức đăng ký các đề tài nghiên cứu về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ưu tiên các hướng nghiên cứu mới, có triển vọng và được hỗ trợ bằng nguồn vốn ngân sách.
Chi cục Thủy sản Thành phố Cần Thơ
Đăng ngày: 30/11/2015