Thành phố Cần thơ có thế mạnh đặc biệt về phát triển nuôi trồng thủy sản. Mỗi năm Cần Thơ sản xuất ra trên 180 ngàn tấn thủy sản. Sản lượng cũng như giá trị của thủy sản Cần Thơ luôn tăng theo từng năm.
I. ĐẶT VẤN ĐỀ
Thành phố Cần thơ có thế mạnh đặc biệt về phát triển nuôi trồng thủy sản. Mỗi năm Cần Thơ sản xuất ra trên 180 ngàn tấn thủy sản. Sản lượng cũng như giá trị của thủy sản Cần Thơ luôn tăng theo từng năm.
Tuy nhiên, ngành nuôi trồng thủy sản thành phố vẫn còn không ít những bất cập và phải đối mặt với hàng loạt thách thức như: công tác quy hoạch chưa theo kịp với tốc độ phát triển, cơ sở hạ tầng còn yếu kém, nguồn lợi thủy sản đang có xu hướng giảm, sự phát triển còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, môi trường có dấu hiệu suy thoái, dịch bệnh phát sinh và có sự mất cân đối giữa cung và cầu… Do đó, để khắc phục tồn tại nêu trên đáp ứng các yêu cầu của hội nhập kinh tế toàn cầu, sự đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường về chất lượng và an toàn thực phẩm cũng như theo kịp sự tiến bộ của khoa học công nghệ hiện đại thì rất cần một chiến lược phát triển tổng thể nhằm mục tiêu phát triển ngành nuôi trồng thủy sản một cách bền vững, góp phần tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, đáp ứng thị trường trong nước và phục vụ xuất khẩu.
II. THỰC TRẠNG NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TẠI CẦN THƠ
1. Tình hình nuôi
Bảng thống kê quy mô và thủy sản nuôi ở thành phố Cần Thơ (2011 – 2015):
2. Thuận lợi
– Cần Thơ có lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, sự thống nhất với các chính sách, nguồn nhân lực,… để phát triển nuôi trồng thủy sản.
– Đảng và Nhà nước rất quan tâm, các tầng lớp nhân dân nhận thức rõ tầm quan trọng của bước đi đầu tiên là công nghiệp hóa và hiện đại hóa nông thôn: coi ngành thuỷ sản là mũi nhọn – coi công nghiệp hoá và hiện đại hoá nông thôn là bước đi ban đầu quan trọng nhất.
– Các mô hình chuyển đổi sang nuôi thủy sản thời gian qua đã thực sự mang lại hiệu quả, tăng thu nhập trên một đơn vị diện tích đất sản xuất.
– Các văn bản quản lý nhà nước về nuôi thủy sản được xem xét, bổ sung làm cơ sở để tăng cường công tác quản lý về ngành như Nghị định số 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ về nuôi, chế biến, xuất khẩu cá tra.
3. Khó khăn
– Phân công quản lý nuôi thủy sản còn chồng chéo giữa nhiều đơn vị chuyên môn, chưa phân cấp phân quyền quản lý sản xuất thức ăn, hoá chất về địa phương, nên công tác quản lý các cơ sở chưa được chặt chẽ.
– Việc triển khai mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, …là hướng phát triển tất yếu, tuy nhiên còn gặp nhiều khó khăn như: mức phí chứng nhận các tiêu chuẩn còn cao, kỹ thuật nuôi chưa tuân thủ theo quy định (mật độ thả, ao lắng, lọc, xử lý,…).
– Hội nhập quốc tế với sự dỡ bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan sẽ tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt ngay trên thị trường Việt Nam.
III. KẾT QUẢ THỰC HIỆN
Ngành nuôi trồng thủy sản thành phố Cần Thơ hiện rất chú trọng hai đối tượng nuôi chủ lực là cá tra và tôm càng xanh, diện tích nuôi thủy sản của toàn thành phố Cần Thơ năm 2014 khoảng 13.195 ha.
1. Đối tượng và hình thức nuôi
1.1. Cá tra
Chủ yếu là mô hình nuôi thâm canh trong ao đất, diện tích nuôi cá tra năm 2014 ước đạt 842 ha (đạt 99% kế hoạch, giảm 2% so với năm 2013), sản lượng nuôi cá tra ước đạt 150.444 tấn (đạt kế hoạch đề ra, tăng 6% so với năm 2013), năng suất đạt 255 tấn/ha; Diện tích cá tra giống 659 ha, sản lượng 420 triệu giống. Thời gian gần đây, người nuôi cá tra nguyên liệu và ương cá tra giống đang lâm vào cảnh vô cùng khó khăn vì nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu xoay quanh về giá cá với giá bán thấp hơn giá thành sản xuất. Trước tình hình trên, hầu hết nông dân nuôi cá tra thương phẩm và ương cá tra giống mong muốn giá cá tra giống cũng như giá cá tra thương phẩm ổn định theo hướng có lợi, để nông dân an tâm sản xuất.
Qua khảo sát thực tế, hiện nay giá cá tra giống các loại giảm từ 8.000 – 10.000 đồng/kg so với đầu tháng 5/2015, với giá bán cá tra giống như vậy, người ương cá tra sẽ lỗ từ 3.000 – 5.000 đồng/kg; năng suất ương cá tra giống bình quân đạt khoảng 1 – 2 tấn cá giống/công (mỗi công bằng 1.000 m2), tính ra nông dân ương cá tra chịu lỗ từ 3 – 10 triệu đồng/công.
Nhiều nông dân ương cá tra giống ở huyện Cờ Đỏ cho biết, thời gian ương từ cá tra bột lên cá tra giống khoảng 2 – 2,5 tháng. Khi cá đạt cỡ 30 – 50 con/kg sẽ được thu hoạch tùy theo yêu cầu của người mua giống. Để sản xuất được 1 kg cá tra giống, người nuôi phải đầu tư nhiều khoản như: Tiền thức ăn, thuốc thú y thủy sản, cải tạo ao, công lao động và các chi phí khác… với giá thành sản xuất khoảng 20.000 – 22.000 đồng/kg.
Có thể lý giải nguyên nhân khiến cá tra giống giảm mạnh trong thời gian qua là do thị trường xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn, dẫn đến giá cá tra thương phẩm giảm còn 18.500 – 19.700 đồng/kg, làm cho người nuôi cá tra thương phẩm ngại thả giống, kéo theo giá cá tra giống giảm.
Đối với người nuôi cá tra thương phẩm, giá cá tra giống thấp lại là cơ hội để giảm chi phí con giống, hạ giá thành sản xuất cho vụ nuôi mới.
Trong năm 2015 giá cá tra nguyên liệu luôn biến động ở mức thấp từ 19.000 – 22.0000 đồng/kg, thời điểm hiện tại đã giảm xuống thấp nhất chỉ còn 18.000 đồng/kg, trong khi giá thành để nuôi được 1 kg cá thịt khoảng 20.500 – 24.000 đồng/kg. Hộ nuôi lỗ từ 2.500 – 6.000 đồng/kg.
Ông Đặng Xuân Hải ngụ ở phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt than thở:
“Bây giờ chỉ có những doanh nghiệp lớn, có vốn đầu tư vùng nuôi, liên kết với nông dân rồi bán lại cho doanh nghiệp thì mới có thể tồn tại”.
Khi được hỏi lý do tại sao giá cá tra nguyên liệu sụt giảm như vậy, nhiều doanh nghiệp đổ lỗi rằng do biến động thị trường và tỷ giá.
Đại diện một doanh nghiệp có vùng nuôi cá tra cho biết trên thị trường hiện có quá nhiều công ty xuất khẩu cá tra nhưng chưa tìm được tiếng nói chung. Có công ty cần xoay vòng vốn nên buộc phải bán rẻ? Để cạnh tranh, các công ty khác cũng “nối gót”. Cạnh tranh theo kiểu mạnh ai nấy làm, chưa tính tới được chuyện hợp nhất vì lợi ích chung của cả ngành…
Theo tính toán để đầu tư 1 ha ao nuôi cá tra thịt cần một số vốn rất lớn (khoảng 9 tỷ đồng). Trong tình cảnh khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, giá cá nguyên liệu tụt dốc, doanh nghiệp chưa hoặc không có tiền để mua… nhiều hộ nuôi đành chấp nhận bán giá thấp hoặc lấy tiền trả chậm sau đó dự định sẽ “treo ao” và chưa biết bao giờ mới khôi phục lại sản xuất. Nghiêm trọng hơn một số hộ nuôi còn thừa nhận để giảm thua lỗ, ngoài cho cá ăn cầm chừng thì việc dùng thức ăn kém chất lượng là điều mà họ đã nghĩ đến. Như vậy, một lượng cá chất lượng kém sẽ được bán ra thị trường từ đó đã tạo cơ hội cho phía đối tác giảm giá thu mua, đồng thời thương hiệu cá tra Việt Nam ngày càng mất dần vì kém chất lượng.
Người nuôi gặp khó, doanh nghiệp cũng chẳng khá hơn. Tính đến thời điểm hiện tại ở thành phố Cần Thơ đã có 4 nhà máy chế biến phải đóng hoặc sáp nhập lại. Số còn lại cũng đang hoạt động cầm chừng, công nhân thay nhau nghĩ luân phiên, lượng hàng tồn kho nhiều. Để giải phóng hàng tồn kho, thu hồi vốn, nhiều doanh nghiệp đã hạ giá xuất khẩu xuống dưới 2,2 USD/kg. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải chi trả lãi vay quá lớn, ảnh hưởng đến giá thành và tính cạnh tranh trong sản xuất kinh doanh. Nguồn vốn vay của ngân hàng lại hạn chế, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ thu mua nguyên liệu để chế biến và xuất khẩu. Nếu tăng giá mua cá nguyên liệu thì doanh nghiệp gặp khó, mà giảm giá thì người nuôi cũng khó thể hài lòng được. Vốn không có, đầu ra bấp bênh, bài toán để hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người nuôi quả không dễ chút nào.
1.2. Tôm càng xanh
Tổng diện tích nuôi tôm càng xanh của thành phố năm 2014 ước đạt 60 ha (đạt 100% kế hoạch, tăng 33% so với năm 2013), sản lượng ước đạt 60 tấn (đạt 100% so kế hoạch, tăng 81% so với năm 2013) với hình thức nuôi phổ biến là nuôi luân canh trong ruộng lúa (nuôi trên chân đất).
Nguồn tôm giống thả nuôi chủ yếu mua của Trung Quốc, chiếm tỷ lệ 60 – 70%. Nguồn tôm giống Trung Quốc được cung cấp từ các trại trong thành phố và các tỉnh lân cận như An Giang, Đồng Tháp, Tiền Giang…
Nuôi tôm – lúa luân canh có nhiều lợi ích như: Giảm chi phí làm đất, giảm phân bón, giảm thuốc bảo vệ thực vật, tạo sản phẩm an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng, mô hình nuôi thân thiện môi trường. Mật độ tôm thả trong mô hình thưa nên tôm lớn nhanh, ít bệnh…
Mặc dù thị trường tiêu thụ chưa được khai thác hết và còn tiềm năng để mở rộng nhưng nghề nuôi tôm càng xanh đang gặp nhiều khó khăn:
+ Nuôi tôm luân canh lúa thường chỉ thực hiện trong vụ hè thu xem như là chính vụ vì lúa trong vụ này năng suất thấp, khó làm. Song, mấy năm gần đây trên địa bàn thành phố việc nuôi tôm càng xanh luân canh lúa trong vụ hè thu gần như “bão hòa” đến lúc thu hoạch hầu hết là thu đồng loạt để có ruộng xuống giống vụ đông xuân nên giá thường sụt giảm, nhiều hộ nuôi bị “đụng hàng” khó bán dẫn đến hạ giá bán.
+ Ngoài ra, kỹ thuật về nuôi tôm lúa luân canh của bà con còn hạn chế (chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm), môi trường ngày càng ô nhiễm, thời tiết biến đổi thất thường (nắng nóng, nước lũ về muộn và thấp), chi phí đầu tư tăng cao, vấn đề quản lý nguồn nước, dịch bệnh chưa chặt chẽ, còn thiếu sự liên kết, hợp tác trong người dân ở từng khu vực và giữa các bên có liên quan để phát triển mô hình, tôm giống chưa đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng, thời gian theo thời vụ không được khuyến cáo, người dân ít quan tâm đến chất lượng tôm giống, giá tôm giống tăng cao.
1.3. Cá ruộng
Trồng lúa 3 vụ/năm ở những vùng lũ có thể giới hạn bởi kinh tế, kỹ thuật và có lẽ không phải là mô hình bền vững trong thời gian dài bởi vì có sự thoái hóa, bạc màu đất xảy ra mạnh trong từng năm và yếu tố rủi ro khác về môi trường, thời tiết, dịch sâu bệnh kháng thuốc liên tục diễn ra.
Mô hình nuôi cá ruộng chi phí đầu tư thấp, nhẹ công chăm sóc và lợi nhuận khá hấp dẫn. Năm 2014, diện tích nuôi cá ruộng ở thành phố không ngừng mở rộng (8.846 ha), tăng hơn 430 ha so với năm 2013.
Các đối tượng nuôi chủ yếu: cá chép, cá mè, sặc rằn…. Với cách nuôi: Người dân chỉ cần bỏ vốn mua con giống. Chi phí thức ăn, công chăm sóc không nhiều mà hiệu quả vẫn cao, lại diệt được mầm bệnh. Theo mô hình này, thức ăn của cá chính là thức ăn tự nhiên có sẵn trên đồng ruộng như: rơm rạ, lúa chét, giun, ốc…. Chỉ 3 – 4 tháng nuôi, cá đã cho thu hoạch với năng suất dao động 900 kg – 1,2 tấn/ha. Nếu trừ các khoản chi phí, người nuôi cũng thu lãi lãi từ 8 đến 10 triệu đồng/ha/vụ.
Năm nay, tình hình nuôi cá ruộng chủ động hơn những năm qua do hộ nuôi có sự chuẩn bị về con giống ngay từ trước vụ nên con giống ít bị thiếu hụt so với những năm trước khi vào thời điểm thả nuôi chính vụ, hộ nuôi tiến hành ương giống trước trong mương bao, ao chứa, lung… chờ lũ về sẽ cho cá lên ruộng để tận dụng nguồn thức ăn có sẳn, giảm chi phí, góp phần tăng lợi nhuận trên một đơn vị diện tích đất sản xuất.
Tuy nhiên, mô hình còn tiềm ẩn một số rủi ro ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất cho người nuôi:
(1) Nước lũ hàng năm (về muộn và thấp), mưa ít làm cá chậm lớn, sản lượng và năng suất cá giảm, giá bán cá thấp và tiêu thụ cá khó khăn.
(2) Yếu tố kỹ thuật (mật độ thả/m2, tỷ lệ ghép) chưa hợp lý.
(3) Yếu tố xã hội (trộm cắp).
(4) Thị trường đầu ra bấp bênh (phụ thuộc rất lớn vào thương lái).
1.4. Nuôi cá lóc
Phát triển chủ yếu là mô hình nuôi trong vèo, diện tích vèo nuôi 30 – 40 m2, mật độ thả 20 – 30 con/m3, thời gian nuôi 3 – 4 tháng, đạt tỷ lệ sống 85- 90%. Năm 2014, thành phố có trên 1.000 vèo được nuôi ở các huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai, Phong Điền…
Mô hình phát triển mạnh trong mùa lũ vì có nguồn thức ăn cá tạp rất phong phú và dễ tìm, giá thấp giúp tăng thu nhập cho bà con, là mô hình phù hợp với các là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ ít đất sản xuất….
Mặc dù, mô hình nuôi cá lóc vèo cho hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên vẫn là phong trào “tự phát”, nên nông dân gặp nhiều khó khăn do thiếu kiến thức về kỹ thuật, chưa có kinh nghiệm, nguồn cá tạp ngày một khan hiếm và trong khâu tiêu thụ sản phẩm thường bị thương lái ép giá, thua thiệt.
Để mô hình có sức lan tỏa và tạo nguồn thu nhập ổn định cho bà con vùng lũ rất cần sự hỗ trợ từ các ngành chức năng về kỹ thuật, cũng như định hướng thị trường mục tiêu cho bà con.
1.5. Nuôi lươn
Đến nay, hình thức nuôi lươn chủ yếu ở thành phố là nuôi trong bể lót bạt, tập trung ở các huyện: Vĩnh Thạnh (839 bồn), Cờ Đỏ (187 bồn). Mùa vụ thả nuôi lươn quanh năm. Nguồn lươn giống phần lớn thu gom từ tự nhiên. Lươn giống bán nhân tạo đã được nhiều địa phương trên địa bàn thành phố nghiên cứu và cho sinh sản thành công như Cờ Đỏ, Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn lươn giống này vẫn còn hạn chế do giá lươn giống cao (kích cỡ 1.000 con/kg giá bán từ 2000 – 3.500 đồng/con) và nguồn giống không đủ cung cấp cho nuôi thương phẩm. Theo ghi nhận từ các hộ nuôi, với giá lươn thịt từ 110.000 – 125.000 đồng/kg, người nuôi lươn có thể thu lợi nhuận từ 39.000 – 55.000 đồng/1kg lươn thương phẩm.
Có thể nói, mô hình có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho các hộ nuôi ở nông thôn.
Tuy vậy, vẫn còn đó những rủi ro từ mô hình như:
+ Rủi ro đến từ con giống.
(vì con giống phụ thuộc chủ yếu vào khai thác tự nhiên, số lượng và chất lượng khó đảm bảo, tỷ lệ hao hụt cao: 20 – 100%)
+ Rủi ro từ thị trường tiêu thụ (giá bán đầu ra không ổn định, kênh thu mua lệ thuộc hoàn toàn vào thương lái, trong khi giá các nguyên liệu đầu vào, đặc biệt là giá thức ăn lại gia tăng).
Ngoài những đối tượng nêu trên, nông dân trong thành phố còn nuôi nhiều loại thủy sản nước ngọt có giá trị khác như cá thác lát, cá chạch lấu, cá sặc rằn, cá điêu hồng, cá chim, cá cảnh, ếch, ba ba…
2. Sản xuất và cung ứng giống thủy sản
Năm 2014, toàn thành phố có 105 cơ sở sản xuất và cung ứng giống thủy sản (cá tra, tôm sú, tôm càng xanh…) với diện tích ước khoảng 966 ha (513 hộ) ương giống các loại (đạt 97% so kế hoạch, tăng 1% so với năm 2013). Trong đó, diện tích ương cá tra giống là 659 ha, bằng 69% so với năm 2013. Sản lượng đạt 420 triệu con giống, đủ cung cấp nhu cầu giống cho người nuôi cá tra Cần Thơ, còn lại cung cấp cho các tỉnh lân cận. Sản lượng tôm càng xanh giống là 12 triệu post, sản lượng tôm sú giống là 96,5 triệu post và cá khác 1,4 tỷ bột và 300 triệu con giống…
Chất lượng cá bố mẹ hiện nay được sử dụng tại các trại sản xuất giống suy giảm nghiêm trọng, cá bố mẹ thường có nguồn gốc không rõ ràng, đa số được lựa từ các ao nuôi thương phẩm; Kích cở cá bố mẹ không đồng đều. Quy trình nuôi vỗ không đảm bảo, thậm chí cá bị bỏ đói hoặc cho ăn cầm chừng, khi cá bột tăng giá cá bố mẹ ở các cơ sở thường bị ép sinh sản nhân tạo hoặc khai thác quá mức cho cá đẻ nhiều lần trong năm…
Bên cạnh chất lượng cá bột kém thì nhận thức của hầu hết các hộ ương nuôi cá cũng góp phần làm giảm tỷ lệ sống trong quá trình ương nuôi đó là có hơn 50% số hộ trả lời không quan tâm đến chất lượng cá bố mẹ sản xuất ra cá bột mà họ mua và có đến gần 30% số hộ mua cá bột từ những hộ sản xuất nhỏ lẻ hoặc không rõ nguồn gốc. Mật độ ương trung bình cao 500 con cá bột/m2, có hộ còn ương mật độ rất cao, 3.000 con/m2. Mật độ quá cao có thể làm cho thiếu thức ăn ở 1 giai đoạn đầu khi cá chỉ ăn thức ăn tự nhiên, thiếu oxy giai đoạn đầu và có thể ô nhiễm nguồn nước giai đoạn ương sau làm giảm tỷ lệ sống của cá hương và tăng trưởng của cá giống. Tần suất nhiễm bệnh ở các hộ ương nuôi nhiều hơn những năm trước và xuất hiện một số bệnh nguy hiểm. Do thiếu hiểu biết nên người ương đã lạm dụng thuốc kháng sinh liều cao để chữa trị cho thủy sản, nguy hiểm là nguy cơ dùng nguyên liệu và thuốc dùng cho người. Sự thiếu hiểu biết trong quá trình thu hoạch, vận chuyển giống từ nơi sản xuất đến ao nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ lệ sống của thủy sản.
Hầu hết các hộ và cơ sở ương cũng như trại sản xuất kinh doanh giống thủy sản chưa áp dụng quy phạm thực hành sản xuất tốt, hoặc các tiêu chuẩn chất lượng như SQF, Global GAP… Vì tính mùa vụ trong nuôi nuôi thủy sản nên sản lượng giống khi thiếu, khi thừa, dẫn đến phong trào nuôi chưa ổn định. Đặc biệt là giống tôm càng xanh và cá tra luôn bất ổn về số lượng và chất lượng, chưa đáp ứng nhu cầu nuôi theo từng thời kỳ.
Công tác quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh giống thời gian qua ở nhiều nơi chưa được các ngành chuyên môn kiểm soát chặt chẽ. Sản xuất tự phát, địa bàn rộng, song bộ máy quản lý mỏng, thiếu nhân lực, thiếu cơ sở vật chất kỹ thuật, thiếu phương tiện, công cụ, cho hoạt động kiểm tra điều kiện sản xuất và kiểm dịch. Bên cạnh đó các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý giống thuỷ sản lạc hậu chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tế sản xuất, việc ban hành mới, chuyển đổi sang Quy chuẩn và Tiêu chuẩn chậm; Công tác quản lý chất lượng giống thủy sản chưa được hướng dẫn rõ ràng nên rất khó thực hiện.
3. Môi trường nước nuôi trồng thủy sản
Ô nhiễm môi trường nước trong nuôi trồng thủy sản ở thành phố nói riêng, ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung đang diễn ra phổ biến và đến mức báo động. Tuy nhiên, người nuôi thủy sản vẫn thiếu ý thức, trách nhiệm trong việc xả thải nước chưa qua xử lý ra môi trường tự nhiên. Hầu hết các hộ nuôi, nhất là các hộ nuôi lồng bè, đều không có hệ thống xử lý nước thải, bùn thải và thường xả thẳng nguồn thải ra sông. Một số ít vùng nuôi của doanh nghiệp có đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Thực tế cho thấy, các phương pháp xử lý nước thải hiện đang áp dụng đều có kinh phí đầu tư lớn, nhu cầu phải có diện tích rộng để xây dựng ao lắng, ao xử lý, vì vậy chỉ thích hợp ứng dụng đối với mô hình nuôi có quy mô lớn, vùng nuôi thuộc các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu, vùng nuôi có quy mô trên 10 ha. Một số khó khăn nữa là nhiều hộ nuôi không còn quỹ đất trống để làm ao xử thải (tỉ lệ diện tích đất dành cho xử lý nước thải từ 15 – 25% tổng diện tích); thiếu thiết bị xử lý đạt hiệu quả cao; chưa có công nghệ xử lý, cách vận hành hệ thống phù hợp.
IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP
– Về quy hoạch: Rà soát, điều chỉnh và bổ sung quy hoạch phát triển tổng thể, quy hoạch vùng và một số đối tượng nuôi chủ lực, các loài cá bản địa có giá trị kinh tế nhằm sử dụng có hiệu quả các loại hình đất, mặt nước nuôi trồng thủy sản. Trong đó, chú trọng quy hoạch chuyển đổi từ nuôi quảng canh sang bán thâm canh, thâm canh…
– Về thị trường: Nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản, thực hiện tốt các quy trình nuôi thủy sản tốt, chỉ đạo phát triển đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao phục vụ xuất khẩu. Mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm trên thị trường trong nước và quốc tế. Ký kết các hiệp định tự do FTA, hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương TPP…
– Về sản xuất và cung ứng giống: Tập trung sản xuất giống đảm bảo chất lượng, sạch bệnh, sức đề kháng cao. Tăng cường nhập giống bố mẹ đạt tiêu chuẩn từ các trung tâm, viên nghiên cứu có uy tín để sản xuất giống tại chỗ, có nguồn gốc rõ ràng. Con giống trước khi xuất ra khỏi trại phải được kiểm dịch đầy đủ.
– Về nuôi trồng thủy sản:
+ Hoàn thành việc rà soát quy hoạch nuôi trông thủy sản và quy hoạch nuôi cá tra của thành phố Cần Thơ.
+ Tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nuôi thủy sản, đảm bảo an toàn thực phẩm. Đa dạng các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế như cá chạch lấu, thát lát còm, cá lóc, cá rô, lươn, ếch, cá cảnh…., đồng thời phát triển nuôi thâm canh cá rô phi làm đối tượng xuất khẩu chủ lực sau cá tra.
+ Tiếp tục hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc áp dụng các quy định, quy chuẩn trong sản xuất giống và nuôi thương phẩm, triển khai các quy trình chứng nhận nuôi theo VietGAP, GlobalGAP, ASC, SQF …
– Về phòng chống dịch bệnh: Phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng và thực hiện biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho động vật thủy sản. Theo dõi diễn biến thời tiết, chất lượng nguồn nước vào thời điểm giao mùa, kịp thời cảnh báo hướng dẫn người nuôi kịp thời.
V. ĐỀ XUẤT VÀ KIẾN NGHỊ
– Đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn giao thẩm quyền quản lý ngành thủy sản theo chuỗi sản xuất: con giống – dịch vụ sản xuất (thức ăn, thuốc, hóa chất) – sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.
– Đề nghị UBND thành phố quan tâm hơn đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng vùng nuôi cá tra và các đối tượng thủy sản chủ lực theo tiêu chuẩn./.
Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư TP. Cần Thơ
Đăng ngày: 30/11/2015