Sáng ngày 31/7/2024, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Cần Thơ đã tổ chức hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sản xuất xanh trong nông nghiệp”. Hội thảo được tổ chức nhằm thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nông nghiệp, hướng đến phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.
Đến tham dự hội thảo có TS. Ngô Anh Tín – Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ; GS.TS. Nguyễn Thị Lang – Viện trưởng Viện nghiên cứu Nông nghiệp Công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long; đại diện các sở, ban ngành, doanh nghiệp, Hợp tác xã, Hội Nông dân; chuyên gia, giảng viên, sinh viên đến từ các viện, trường trên địa bàn thành phố Cần Thơ.
Sản xuất xanh trong ngành nông nghiệp đang trở thành một yếu tố then chốt trong nỗ lực toàn cầu nhằm đối phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh lương thực bền vững. Tại Việt Nam, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã định hướng “phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sinh thái, trong đó chú trọng phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn”. Để phát triển nền nông nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2030 “nước ta phát triển nền nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020”. Đặc biệt tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi chiếm trên 55% sản lượng lúa sản xuất và trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu của cả nước, Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030“. Điều này cho thấy phát triển nông nghiệp xanh là một xu hướng tất yếu và yêu cầu bắt buộc trong sản xuất hàng hoá, xuất khẩu, hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới.
Các chủ đề tham luận được giới thiệu tại hội thảo: Giải pháp phát triển xanh trong nông nghiệp tại TP Cần Thơ và ĐBSCL – GS.TS. Nguyễn Thị Lang – Viện trưởng Viện nghiên cứu nông nghiệp công nghệ cao Đồng bằng sông Cửu Long; Các ứng dụng, sản phẩm của công nghệ sinh học hiện đại phục vụ chuyển đổi xanh trong nông nghiệp ở các lĩnh vực: bảo vệ thực vật, cải thiện chất lượng đất và nước, nâng cao năng suất, giảm phát thải khí nhà kính – TS. Hà Thị Loan – Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học thành phố Hồ Chí Minh; Nông nghiệp xanh và xu thế tất yếu phải chuyển đổi xanh trong sản xuất nông nghiệp – ThS. Phạm Thành Lộc – Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Thanh Bình.
Các đại biểu đã cùng nhau trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm liên quan đến sản xuất xanh trong nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp. Qua đó cho thấy, ứng dụng công nghệ sinh học không chỉ giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao đời sống của người nông dân. Những ý kiến và đề xuất tại hội thảo nhằm thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ nói chung cũng như công nghệ sinh học nói riêng phục vụ phát triển xanh và bền vững tại TP. Cần Thơ và vùng ĐBSCL.
Đăng ngày: 31/07/2024