Cần Thơ là thành phố trực thuộc trung ương, nằm ở vùng hạ lưu của sông Mê Kong và ở vị trí trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), nằm cách Hà Nội 1.877 km, cách thành phố Hồ Chí Minh 169 km, cách thành phố Cà Mau hơn 150 km, cách Rạch Giá (Kiên Giang) gần 120 km, cách biển Đông 75 km theo đường Nam sông Hậu (quốc lộ 91C). Cần Thơ có tọa độ địa lý 105°13’38″ – 105°50’35″ kinh độ Đông và 9°55’08″ – 10°19’38″ vĩ độ Bắc, trải dài trên 60 km dọc bờ Tây sông Hậu , có vị trí địa lý: phía Bắc giáp An Giang, phía Đông giáp Đồng Tháp và Vĩnh Long, phía Tây giáp Kiên Giang, phía Nam giáp Hậu Giang, là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế và giáo dục của vùng ĐBSCL. Thành phố có tổng diện tích đất tự nhiên 1.439,2 km², dân số khoảng 11.235.171 người (năm 2019), mật độ dân số là 885 người/km². Với vị thế đó thành phố Cần Thơ mang những đặc trưng cơ bản của một trung tâm đa chức năng, có sức lan tỏa về kinh tế, văn hóa, xã hội và là cửa ngõ của cả vùng. Với hệ thống các cơ sở đào tạo, nghiên cứu đa dạng về loại hình, chức năng, quy mô hoạt động, từ các đơn vị trung ương đóng trú trên địa bàn đến các đơn vị của địa phương, gồm 06 trường đại học, 10 trường cao đẳng, 14 trường trung cấp chuyên nghiệp, 01 Viện nghiên cứu cấp quốc gia, 73 cơ sở dạy nghề và 90 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Cần Thơ là nơi hội tụ và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ và kỹ năng cho cả vùng.
I. MỘT SỐ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG ỨNG DỤNG, CHUYỂN GIAO VÀ ĐỔI MỚI CÔNG NGHỆ TẠI CẦN THƠ.
Về tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ
Hoạt động ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ trên địa bàn thành phố Cần Thơ thời gian qua từng bước phát triển rõ nét trên cơ sở phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ kỹ thuật KH&CN với hệ thống hơn 60 tổ chức KH&CN đang hoạt động, 14 tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, 02 mạng lưới liên kết, 02 Quỹ đầu tư và phát triển khởi nghiệp, 06 không gian hỗ trợ khởi nghiệp, không gian làm việc chung, điểm kết nối cung cầu công nghệ tại Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN, Sàn giao dịch công nghệ Cần Thơ trực tuyến (Catex.vn). Bên cạnh đó, Công tác đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất, phát huy, tăng cường tiềm lực khoa học và công nghệ được quan tâm, chỉ đạo thực hiện chặt chẽ; một số đề án, dự án đầu tư hạ tầng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật khoa học và công nghệ đã và đang được thành phố từng bước triển khai, phát huy tiềm năng, thế mạnh của thành phố. Đặc biệt, thành phố đang triển khai thủ tục xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung, Khu công nghệ cao Cần Thơ, Khu nông nghiệp công nghệ cao, Sàn giao dịch công nghệ1…. cùng với việc đẩy mạnh xúc tiến, mời gọi các nhà đầu tư; thúc đẩy liên kết và hình thành được nhiều vùng sản xuất lúa hàng hóa, vùng trồng rau màu, cây ăn trái và chăn nuôi thủy sản theo hướng tập trung, quy mô lớn, thuận lợi cho ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học – kỹ thuật vùng; Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ được đầu tư cơ sở vật chất với các trang thiết bị hiện đại tập trung 3 lĩnh vực trọng điểm (công nghệ Sinh học, chế biến sau thu hoạch, cơ khí chính xác) đóng vai trò đầu mối trong nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới triển khai vào sản xuất và đời sống, góp phần gia tăng hàm lượng KH&CN trong các sản phẩm chủ lực của thành phố; Vườn ươm Công nghệ Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc đã hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực nông, thủy sản, cơ khí TP. Cần Thơ và các tỉnh, thành vùng ĐBSCL ươm mầm các ý tưởng khởi nghiệp ươm tạo công nghệ tại Vườn ươm.
Đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ có trình độ cao ngày càng tăng. Tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố có sự phát triển cả về số lượng và chất lượng; số lượng cán bộ khoa học và công nghệ nghiên cứu và phát triển vượt mức 11 người trên một vạn dân. Thời gian qua, các nhà khoa học tại thành phố Cần Thơ chính là lực lượng đóng góp nhiều và trực tiếp nhất cho thành phố. Hiện nay, đội ngũ này tương đối đồng đều, đa ngành, đa lĩnh vực, đã và đang phát triển nhanh về số lượng và nâng lên về chất lượng, đảm bảo đủ năng lực chất lượng cao, đóng góp vào phát triển kinh tế – xã hội, góp phần xây dựng và phát triển thành phố. Tính đến năm 2021, thành phố có 6.786 người có hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó có 970 người có học vị tiến sĩ (19 người có chức danh Giáo sư, 194 người có chức danh Phó giáo sư), số lượng sinh viên được đào tạo hàng năm khoảng 77.000 người. Năm 2021, thành phố có hơn 1.198 nhiệm vụ khoa học và công nghệ các cấp đang tiến hành, 557 nhiệm vụ được nghiệm thu, 279 nhiệm vụ ứng dụng vào nhiều lĩnh vực sản xuất và đời sống và với hơn 1.250 lượt nhà khoa học tham gia tư vấn, phản biện, thẩm định thuộc nhiều lĩnh vực như: nông nghiệp, y tế, bảo vệ môi trường, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng… Các nhà khoa học trên địa bàn thành phố đã có 2.724 bài viết được đăng trên các tạp chí, kỷ yếu hội nghị quốc tế trong giai đoạn 2016 – 2020; riêng số lượng công bố quốc tế từ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp thành phố tăng vượt trội so với giai đoạn 2011 – 2015, cao nhất là năm 2016, có 26 bài báo khoa học được công bố quốc tế.
Về hoạt động nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao và đổi mới công nghệ
Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trên địa bàn thành phố có sự chuyển dịch cơ cấu nghiên cứu khoa học từ nông nghiệp sang các lĩnh vực khác đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa sản xuất. Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của thành phố có sự đồng bộ trong các lĩnh vực bao gồm khoa học xã hội và nhân văn, khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật và công nghệ, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định chủ trương, chính sách phát triển thành phố. Về thương mại hóa các kết quả nghiên cứu cũng được đẩy mạnh với sự hưởng ứng và vào cuộc của các doanh nghiệp, các chuyên gia từ các viện nghiên cứu, trường đại học tại các địa phương trong cả nước thông qua nhiều hình thức khác nhau như: chủ sở hữu kết quả nghiên cứu/tác giả tự đầu tư khai thác, chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng sáng chế (li-xăng), hợp tác với các bên để khai thác, chuyển giao. Trong đó, nổi bật là một số mô hình được thành lập để thúc đẩy thương mại hóa công nghệ thông qua mô hình doanh nghiệp khởi nguồn từ trường đại học, viện nghiên cứu… Một số viện, trường này đã thiết lập các mối quan hệ chặt chẽ với cộng đồng doanh nghiệp và bước đầu cho thấy thành công mang lại lợi ích thiết thực cho cả các bên liên quan liên quan trong thương mại hóa công nghệ kết quả nghiên cứu. Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN với vai trò đầu mối, thời gian cũng đã nghiên cứu và làm chủ một số công nghệ và đã chuyển giao thành công cho một số tỉnh thành như Đồng tháp, Bình Dương, Tây Ninh, Ninh Thuận, Bà Rịa- Vũng Tàu…
Tốc độ đổi mới công nghệ, thiết bị của thành phố giai đoạn 2014-2021 đạt 13,02%. Tuy tốc độ đổi mới công nghệ của doanh nghiệp chưa đạt như mục tiêu đã đề ra, nhưng qua đó đã cho thấy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, phát triển KH&CN của thành phố trong thời gian qua đã mang lại một số kết quả thiết thực, năng lực công nghệ của doanh nghiệp có chuyển biến tích cực góp phần gia tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong nước và quốc tế. Theo kết quả tính toán tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và ứng dụng công nghệ cao so với tổng số giá trị GRDP của thành phố trong giai đoạn 2016-2020 cho thấy tổng giá trị sản phẩm công nghệ cao, công nghệ trung bình so với GRDP là: 31,6% tuy chưa đạt được mục tiêu đề ra là 45% nhưng qua kết quả tính được cho thấy tổng sản phẩm công nghệ cao và công nghệ trung bình đóng góp ngày càng nhiều vào tổng giá trị GRDP của thành phố giai đoạn 2016-2020 với tỷ trọng đóng góp theo các năm lần lượt là 16%; 18%; 20%; 24%; 28% và đạt 31,6% vào năm 2020, phù hợp với mặt bằng chung của cả nước.
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới công nghệ, thiết bị từ khi ban hành đến nay đã thu hút hơn 60 doanh nghiệp đề xuất tham gia, xét duyệt 35 doanh nghiệp có năng lực thực hiện dự án đổi mới công nghệ, thiết bị trong lĩnh vực chế biến nông sản, cơ khí chế tạo, chế biến thực phẩm, chế biến sản phẩm gỗ, công nghệ thông tin, môi trường… với tổng kinh phí từ ngân sách nhà nước xét hỗ trợ là 10,3 tỷ đồng, huy động được 36,2 tỷ đồng vốn đối ứng của doanh nghiệp (chiếm trên 70% tổng kinh phí thực hiện dự án). Chương trình đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ như hàng chục công nghệ, quy trình công nghệ được ứng dụng và làm chủ, năng suất lao động tăng lên, khối lượng sản phẩm làm ra ngày càng nhiều và chất lượng hơn, giảm giá thành sản phẩm. Doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp đều tăng so với trước khi đổi mới, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu.
Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Cần Thơ đến năm 2020 đã xét duyệt hỗ trợ cho 82 doanh nghiệp xây dựng và áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào hoạt động sản xuất – kinh doanh như: ISO 9001, ISO/IEC 17021, ISO/IEC 17025, ISO/IEC 17065, ISO 50001, ISO 14001, ISO 22000, HACCP, VietGAP… Bên cạnh đó, đã đào tạo hơn 5.900 lượt học viên thuộc các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố các kiến thức chuyên sâu về nâng cao năng suất chất lượng và sở hữu trí tuệ.
Từ tác động của việc triển khai các chương trình, dự án, cơ cấu kinh tế của thành phố đã chuyển dịch tích cực, tăng dần tỷ trọng các ngành chế tạo, chế biến có hàm lượng công nghệ cao, có lợi thế cạnh tranh. Tăng trưởng kinh tế của thành phố Cần Thơ đạt nhiều kết quả nổi bật, theo số liệu phân tích của Viện Kinh tế – Xã hội thành phố Cần Thơ thì trong 5 năm qua, công nghiệp duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân là 9,84%, đóng góp 32,36% cơ cấu GRDP, đứng thứ 2 vùng ĐBSCL về cơ cấu khu vực II. Tăng trưởng khu vực II cao hơn chất lượng tăng trưởng chung với đóng góp của TFP (năng suất nhân tố tổng hợp) lên đến 40,88% giai đoạn 2013-2018. Ðiều này đã thể hiện tiềm năng và thế mạnh trong phát triển công nghiệp của thành phố, qua đó đã cho thấy các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ KH&CN từ năm 2013 đến nay đã phát huy hiệu quả, doanh nghiệp ngày càng chú trọng hơn trong nâng cao năng lực công nghệ, cải tiến năng suất chất lượng trong hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp.
Về hoạt động kết nối cung – cầu công nghệ, liên kết hợp tác phát triển vùng
Hoạt động liên kết, hợp tác về khoa học và công nghệ giữa các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long và các địa phương trong cả nước; giữa các viện, trường, các tổ chức khoa học và công nghệ trong và ngoài nước có sự chuyển biến tích cực. Thành phố đã ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác như: Hợp tác phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh, thành phố vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long; Hợp tác giữa thành phố Cần Thơ và Trường Đại học Cần Thơ; Hợp tác phát triển giữa tỉnh Hậu Giang – thành phố Cần Thơ…Ngoài ra Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ thời gian qua cũng đã hợp tác với các đơn vị nghiên cứu trên địa bàn thành phố, đồng bằng sông Cửu Long như: Trường Đại học Cần Thơ, Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), Viện Nghiên cứu công nghệ cao ĐBSCL… để tư vấn, nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Thực hiện ký kết Chương trình hợp tác khoa học và công nghệ giữa các Sở KH&CN vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL giai đoạn 2016-2020 để liên kết giữa hoạt động nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ và vùng ĐBSCL.
Phát triển Khối Ứng dụng tiến bộ KH&CN vùng ĐBSCL từ 13 Trung tâm Ứng dụng thuộc 13 tỉnh/thành của vùng lên 21 Trung tâm, mở rộng địa bàn liên kết đến vùng Đông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ. Qua đây, đã tập hợp trên 134 công nghệ, quy trình công nghệ, sản phẩm công nghệ để tạo nguồn chuyển giao cho các tỉnh vùng ĐBSCL và cả nước.
Tích cực tổ chức và tham gia các hoạt động triển lãm, kết nối cung cầu công nghệ tại các tỉnh, thành để các sản phẩm khoa học và công nghệ của thành phố Cần Thơ được giới thiệu rộng rãi đến doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân có nhu cầu, từ đó thúc đẩy thị trường khoa học và công nghệ phát triển. Triển khai hoạt động Điểm kết nối cung cầu công nghệ vùng đồng bằng sông Cửu Long tại thành phố Cần Thơ hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ, kết nối các nhà khoa học với doanh nghiệp. Xây dựng Sàn giao dịch Công nghệ cung cấp thông tin công nghệ, hỗ trợ giao dịch, thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ… Qua đó nắm bắt được các xu thế thay đổi công nghệ của cả nước và thế giới để áp dụng vào điều kiện sản xuất của địa phương
II. MỘT SỐ KHÓ KHĂN, BẤT CẬP
– Bên cạnh một số kết quả đạt được, hoạt động ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ của thành phố Cần Thơ nói riêng và vùng ĐBSCL nhìn chung vẫn còn đang sơ khai, nguồn cung công nghệ còn ít, số lượng và chất lượng giao dịch còn nhiều hạn chế; thiếu liên thông với các thị trường khác cũng như kết nối với các thị trường KH&CN lớn như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và các nước trong khu vực. Các tổ chức trung gian và cơ sở hạ tầng của thị trường KH&CN nhỏ lẻ, chưa phát triển thành mạng lưới, một vài địa phương có thành lập sàn giao dịch như: Sở KH&CN An Giang, Bạc Liêu và Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ có trang Sàn giao dịch Công nghệ Cần Thơ và Điểm kết nối cung cầu công nghệ vùng ĐBSCL, số lượng, chất lượng nguồn cung công nghệ và giao dịch cũng còn hạn chế; Các tổ chức trung gian của thị trường yếu về năng lực và tiềm lực hoạt động còn mang tính riêng lẽ, thiếu kết nối, chưa có sự hợp tác, chia sẽ và hỗ trợ lẫn nhau, chưa có các liên kết hoạt động và chia sẽ lợi ích. Do đó chưa phát huy được tiềm năng và thế mạnh của nhau.
– Hoạt động chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn còn nhiều bất cập; việc khai thác, áp dụng sáng chế để thương mại hóa còn hạn chế. Liên kết giữa các doanh nghiệp, giữa doanh nghiệp với viện, trường và cơ quan quản lý nhà nước trong đổi mới, ứng dụng, chuyển giao và phát triển công nghệ còn yếu. Các doanh nghiệp trong quá trình chuyển giao công nghệ chưa quan tâm tìm kiếm chuyên gia tư vấn hoặc thông qua các tổ chức trung gian.
– Chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong đổi mới công nghệ, bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo chưa phát huy hiệu quả, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ; nguồn vốn hỗ trợ còn hạn chế, một số doanh nghiệp gặp khó khăn trong nguồn vốn đối ứng để tham gia các chương trình. Bên cạnh đó, doanh nghiệp chưa có tầm nhìn dài hạn, thiếu nhân lực trình độ cao và tiềm lực tài chính để tiến hành đổi mới, nâng cấp công nghệ. Một số doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận các chính sách, hỗ trợ ưu đãi của Nhà nước, do hạn chế về nhân lực có khả năng nghiên cứu tiếp cận các chính sách hỗ trợ ưu đãi.
– Trình độ công nghệ sản xuất tuy đã được nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đầu tư đổi mới nhưng vẫn còn vào loại thấp so với thế giới và khu vực; tốc độ đổi mới công nghệ và thiết bị sản xuất tuy đã có tiến bộ song nhìn chung chưa đạt yêu cầu về mặt bằng phát triển chung của nền kinh tế. Doanh nghiệp vẫn còn e dè trong việc đâu tư phát triển KH&CN trong hoạt động sản xuất, việc trích lập và quản lý, vận hành sử dụng Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp còn gặp khó khăn, vướng mắc do quy định cơ chế quản lý và sử dụng quỹ nên chưa khuyến khích doanh nghiệp thành lập quỹ, vì vậy đầu tư cho KH&CN trong doanh nghiệp chưa nhiều.
– Nguồn kinh phí chi cho khoa học và công nghệ chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước. Kinh phí đầu tư tăng cường tiềm lực cho các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ còn hạn chế và chủ yếu từ ngân sách thành phố dẫn đến cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật của các đơn vị chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn phát triển của xã hội và gặp nhiều khó khăn trong thực hiện chuyển đổi sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
III. ĐỀ XUẤT MỘT SỐ GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI
Hoàn thiện hệ thống pháp luật về khoa học và công nghệ và đổi mới sáng tạo đồng bộ với các pháp luật liên quan. Tập trung vào các cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi, hỗ trợ tốt nhất cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; các chính sách phát triển thị trường khoa học và công nghệ, thương mại hoá kết quả nghiên cứu. Tạo môi trường thể chế, chính sách thuận lợi liên kết giữa các doanh nghiệp, các tổ chức sản xuất, các viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức hỗ trợ để thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và đổi mới sáng tạo.
Quan tâm đầu tư hạ tầng khoa học và công nghệ, đổi mới trang thiết bị nghiên cứu khoa học hiện đại cho các phòng nghiên cứu, thí nghiệm tại các viện, trường, trung tâm, đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ; phát triển hệ thống thông tin, trang thiết bị thông tin hiện đại, mở rộng mạng thông tin phục vụ các hoạt động nghiên cứu khoa học, nghiên cứu đổi mới sáng tạo, ươm tạo công nghệ; thúc đẩy chuyển đổi số.
Tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ, thu hút nguồn nhân lực và đội ngũ chuyên gia; Tăng cường hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ; nghiên cứu, tìm kiếm công nghệ mới phù hợp để chuyển giao ứng dụng trong các lĩnh vực. Thúc đẩy các hoạt động tư vấn, môi giới chuyển giao công nghệ. Tăng cường hỗ trợ và nâng cao hiệu quả của các hoạt động kết nối cung- cầu công nghệ. Tập trung hỗ trợ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đặc biệt quan tâm và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ, tạo điều kiện để tiếp cận với các thị trường khoa học công nghệ các nước trên thế giới, tổ chức các phiên kết nối cung- cầu công nghệ giữa các doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài.
Đăng ngày: 02/06/2023