1. Đặc điểm tình hình
a. Quá trình thành lập và phát triển
Khối Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (Khối Ứng dụng) chính thức thành lập ngày 15/10/2014 tại thành phố Cần Thơ thông qua việc ký kết “Thỏa ước Hợp tác” giữa 13 Trung tâm Ứng dụng vùng Tây Nam bộ. Mục đích ban đầu của Khối nhằm thông qua hoạt động liên kết giữa các Trung tâm trong cùng lĩnh vực, xây dựng mối quan hệ hợp tác trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn của các đơn vị và tìm kiếm giải pháp tăng cường hiệu quả hoạt động về ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất đời sống, góp phần phát triển kinh tế – xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Trong quá trình hoạt động, Khối kết nạp thêm 11 thành viên mới gồm: Trung tâm Kỹ thuật và Công nghệ sinh học Tiền Giang, Trung tâm Ứng dụng và dịch vụ KH&CN – Cục công tác phía Nam, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Bình Dương, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Bà Rịa-Vũng Tàu (năm 2015); Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Đồng Nai; Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ KHCN Bình Thuận; Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Tây Ninh và Trung tâm Phát triển KH&CN Trẻ, Thành đoàn Tp. HCM (năm 2017); Trung tâm Tư vấn đánh giá khoa học và định giá công nghệ, Trung tâm KH&CN Bình Phước ,Trung tâm Trung tâm Doanh nghiệp hội nhập và phát triển IDE (năm 2020). Đến nay, tổng số thành viên của Khối là 24 thành viên thuộc 21 tỉnh/thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ và Hà Nội.
b. Thuận lợi và thách thức
– Về thuận lợi:
+ Hoạt động của Khối Ứng dụng nói chung cũng như của các Trung tâm nói riêng nhận được sự quan tâm hỗ trợ rất lớn của cơ quan quản lý các cấp (Bộ KH&CN, Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ, các Vụ; Sở KH&CN, UBND các tỉnh, thành phố và các Viện Trường, cơ quan nghiên cứu và tổ chức KH&CN công lập và tư nhân hoạt động trên địa bàn). Hoạt động của các Trung tâm luôn bám sát theo định hướng phát triển và góp phần vào sự phát triển chung của địa phương.
+ Nhìn chung, các Trung tâm thành viên có tinh thần hợp tác, mong muốn xây dựng một khối liên kết mạnh, tạo tiếng nói chung của ngành ứng dụng tại vùng ĐBSCL, ĐNB.
+ Về nhân lực đội ngũ công chức, viên chức và người lao động luôn nhiệt tình, năng động, sáng tạo trong công tác; có trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Hiện nay, tổng nhân lực của các Trung tâm là 344 người (253 biên chế, 91 hợp đồng). Trong đó: trình độ tiến sĩ: 1%, thạc sĩ: 30%, đại học: 63%. Đây là nguồn nhân lực thiết yếu phục vụ công tác ứng dụng chuyển giao tiến bộ KH&CN tại các địa phương nói riêng cũng như xây dựng thị trường KHCN vùng ĐBSCL, ĐNB.
+ Về cơ sở vật chất: nhìn chung, trong giai đoạn 2014 – 2022, các Trung tâm đã được đầu tư trụ sở làm việc, phòng thí nghiệm, nhà xưởng phục vụ công tác nghiên cứu, ứng dụng công nghệ với tổng kinh phí đầu tư xấp xỉ 316 tỷ đồng. Trong năm 2022, Trung tâm Kiểm định và Kiểm nghiệm Đồng Tháp triển khai Dự án: “Mua sắm thiết bị kiểm định, kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước giai đoạn năm 2021-2025” với kinh phí đầu tư 24,7 tỷ đồng; Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Cần Thơ được phê duyệt đầu tư Dự án Tăng cường tiềm lực với kinh phí 59 tỷ đồng và Dự án Sàn Giao dịch công nghệ với kinh phí 29 tỷ đồng.
+ Bên cạnh chức năng nhiệm vụ thường xuyên đăng ký hằng năm, các Trung tâm còn tích cực đăng ký thực hiện các nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, cấp cơ sở và các chương trình mục tiêu quốc gia để vừa nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao công nghệ vừa nâng cao trình độ của đội ngũ CCVC, tăng cường nguồn thu, đảm bảo đời sống cho người lao động.
+ Hầu hết các Trung tâm đều triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác liên kết, phối hợp với các tổ chức KH&CN trên địa bàn trong quá trình thực hiện các đề tài, dự án cũng như xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ.
+ Tại các Trung tâm, đã và đang nghiên cứu làm chủ các công nghệ, quy trình công nghệ trong các lĩnh vực: nông nghiệp, thực phẩm, môi trường, đời sống. Các công nghệ đã thương mại hóa hoặc sẵn sàng chuyển giao như hệ thống xử lý nước sinh hoạt, nước thải, các sản phẩm từ composite, các quy trình kỹ thuật trồng hoa, nấm, hệ thống chống sét thẳng, thiết bị sản xuất nước uống ION-O2, quy trình chế biến bảo quản thực phẩm chức năng bột gạo mầm, quy trình sản xuất dinh dưỡng thủy canh và canh tác rau ứng dụng công nghệ thủy canh…
– Về thách thức:
- Tổ chức hoạt động Khối:
– Do được hình thành trên cơ sở tự nguyện liên kết giữa các Trung tâm Ứng dụng nên nhiều hoạt động của Khối còn mang tính vận động kêu gọi, thiếu cơ sở ràng buộc và thiếu cơ sở pháp lý trong việc đề xuất các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Khối đối với các cơ quan chủ quản và cơ quan quản lý.
– Do mỗi địa phương có tính đặc thù cao về tổ chức quản lý, điều hành và điều kiện phát triển kinh tế xã hội khác nhau nên hoạt động của các Trung tâm thành viên cũng có tính chất khác nhau dẫn đến gặp nhiều khó khăn khi bàn bạc, thảo luận, triển khai các nhiệm vụ chung của Khối. Vì vậy, trong quá trình hoạt động, Khối vừa hoạt động, vừa tự hoàn thiện về tổ chức và cần bàn bạc thảo luận, xác định định hướng phát triển chung, mang tính tương đồng cao và xác định các giải pháp tối ưu để hỗ trợ tích cực cho các Trung tâm thành viên phát huy được sức mạnh riêng và đóng góp chung vào sự lớn mạnh của Khối.
– Thiếu nhân lực phụ trách liên kết. Theo thống kê, mỗi trung tâm có từ 7-39 biên chế. Tuy nhiên, chỉ có 44% nhân lực trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ. Nguyên nhân do đa số các Trung tâm đã thực hiện việc sáp nhập nên nguồn nhân lực phải phân bố vào 03 mảng là ứng dụng, thông tin và tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Chính vì vậy, các trung tâm không có cán bộ chuyên trách phụ trách xúc tiến các hoạt động liên kết nói chung, cũng như liên kết Khối Ứng dụng nói riêng.
– Khối META có 20/24 Trung tâm trực thuộc Sở KH&CN các tỉnh, thành phố. Trong đó, 18/20 Trung tâm đã thực hiện việc sáp nhập các đơn vị sự nghiệp thuộc Vì vậy, hiện nay bên cạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, các Trung tâm thực hiện chức năng thông tin KHCN, tiêu chuẩn – đo lường – chất lượng. Hiện nay trong Khối chỉ còn 02 Trung tâm (tại Cần Thơ và Bình Dương) hoạt động chuyên biệt trong lĩnh vực ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Vì vậy, hạn chế trong phân bổ nguồn nhân lực cũng như kinh phí cho hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ tại hầu hết các Trung tâm.
- Kinh phí hoạt động:
– Hiện nay, hoạt động Khối được duy trì từ nguồn lệ phí đóng góp hằng năm của các thành viên. Tuy nhiên, nguồn kinh phí này rất hạn hẹp, chỉ sử dụng trong duy trì hoạt động thường xuyên, không đủ để tổ chức những sự kiện, hoạt động lớn, mang tính quy mô cấp vùng; hay hỗ trợ chuyển giao công nghệ có tiềm năng ứng dụng cao cho các Trung tâm thuộc Khối.
- Tinh thần hợp tác giữa các trung tâm thành viên:
– Các Trung tâm thành viên cần thể hiện tinh thần trách nhiệm và hoạt động tích cực hơn nữa để đóng góp cho sự lớn mạnh của Khối. Nhất là trong việc tham gia các hoạt động do Khối tổ chức; cập nhật các công nghệ, quy trình công nghệ đang có nhằm thúc đẩy hoạt động giới thiệu, chuyển giao công nghệ.
2. Kết quả hoạt động của Khối META giai đoạn 2014 – 2022
a. Hoạt động liên kết trao đổi thông tin
Từ khi thành lập, Khối đã tổ chức 12 hội nghị giao ban (02 hội nghị/năm, riêng năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid -19, Khối không tổ chức họp) và 02 tọa đàm, hội thảo (năm 2015, 2016) với sự tham gia của các Trung tâm thành viên, cơ quan quản lý các cấp Thông qua hoạt động này, các Trung tâm thành viên chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình hoạt động; những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc khi triển khai những chính sách từ Bộ, Chính phủ và những kiến nghị đề xuất đến các cơ quan quản lý. Tạo nên tiếng nói riêng của các Trung tâm để góp ý, tham mưu cho các cơ quan quản lý để có những điều chỉnh, hướng dẫn phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các Trung tâm Ứng dụng.
a. Xây dựng thị trường khoa học công nghệ
“Hồ sơ năng lực” của Khối Ứng dụng đã tổng hợp với thông tin về tiềm lực cơ sở vật chất, kỹ thuật – nhân lực – kết quả thực hiện đề tài/dự án KHCN – công nghệ/sản phẩm công nghệ sẵn sàng chuyển giao của các Trung tâm. Với trên 134 công nghệ/quy trình công nghệ/sản phẩm công nghệ đến từ các Trung tâm thành viên, đây được xem là nguồn cung các công nghệ của các Trung tâm.
Tháng 10/2018, Điểm kết nối cung cầu công nghệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long được thành lập tại thành phố Cần Thơ; trưng bày hơn 100 công nghệ/quy trình/sản phẩm công nghệ của các Trung tâm thành viên cũng như của các doanh nghiệp và kết nối cơ sở dữ liệu từ Cục Ứng dụng và Phát triển Công nghệ, phục vụ nhu cầu tìm kiếm nguồn cung cầu công nghệ, chuyên gia tư vấn công nghệ.
Từ năm 2021, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Cần Thơ đang triển khai Hệ thống Truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa nhằm nhân rộng kết quả đến các Trung tâm thành viên, qua đó, tạo nguồn thu cho các Trung tâm.
Ngoài ra, Khối tổ chức và tham gia trưng bày các công nghệ/sản phẩm công nghệ của các Trung tâm tại các sự kiện triển lãm, trưng bày công nghệ tại thành phố Cần Thơ, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Đồng Nai, Long An, Tp. Hồ Chí Minh…, thực hiện video giới thiệu hoạt động Ứng dụng chuyển giao công nghệ của Khối
c. Hợp tác trong ứng dụng chuyển giao công nghệ mới
– Liên kết chuyển giao công nghệ giữa các Trung tâm thành viên: trong giai đoạn 2014 – 2022, đã có 11 hợp đồng chuyển giao công nghệ, quy trình công nghệ được thực hiện giữa các Trung tâm ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp và đời sống (như quy trình sản xuất phân hữu cơ vi sinh, công nghệ nuôi cấy mô cây hoa hồng môn, xử lý bèo lục bình, quy trình sản xuất nước uống Ion O2, kỹ thuật trồng cà chua và rau an toàn trong nhà màng, quy trình trồng rau an toàn, sản xuất nước uống ion …).
Nhìn chung, những kết quả đạt được bước đầu đã phần nào chứng minh và khẳng định vai trò Khối Ứng dụng nói riêng và của khoa học kỹ thuật nói chung trong sự phát triển kinh tế – xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ.
3. Đánh giá hoạt động
– Các mặt đã đạt được:
+ Hoạt động liên kết của các Trung tâm thuộc Khối META tạo điểm sáng về phát huy vai trò của liên kết trong phát triển KH&CN tại các địa phương với những đặc điểm tương đồng nhất định; xây dựng cầu nối trao đổi thông tin giữa các Trung tâm Ứng dụng/Trung tâm Công nghệ sinh học, cũng như giữa Trung tâm và các cơ quan quản, viện trường – chuyên gia, nhà khoa học. Qua đó thực hiện chức năng trọng tâm của các trung tâm ứng dụng là kết nối cung cầu công nghệ.
+ Thông qua các hoạt động của Khối, bước đầu tạo sự chuyển biến trong nhận thức về vai trò của hoạt động ứng dụng khoa học và công nghệ tại các địa phương. Qua đó, tạo điều kiện để địa phương đầu tư cho ngành khoa học công nghệ nói chung cũng như cho hoạt động và cơ sở vật chất, kỹ thuật của các trung tâm ứng dụng nói riêng.
+ Tạo cơ hội giao lưu, học tập kinh nghiệm giữa công chức, viên chức, người lao động tại các Trung tâm.
– Thách thức:
+ Các Trung tâm thành viên chưa nhìn nhận rõ nét lợi ích khi tham gia Khối do đó sự liên kết chưa chủ động và sâu sắc.
+ Mỗi Trung tâm có nhiệm vụ đặc thù riêng theo định hướng phát triển của từng địa phương nên còn hạn chế khi tham gia trong Khối, cũng như khi Khối lựa chọn con đường phát triển chung phù hợp với tất cả thành viên.
+ Tuy có nhiều nỗ lực nhưng Ban Điều hành Khối chưa phát huy vai trò là động lực, lôi cuốn các Trung tâm thành viên, chưa sáng tạo trong tổ chức nên Khối chưa thực sự có hoạt động thực sự nổi bật tạo dấu ấn riêng.
+ Tình hình sáp nhập các đơn vị trực thuộc Sở KH&CN dẫn đến các Trung tâm đảm nhận nhiều chức năng, trong đó hoạt động ứng dụng tương đối khó, thiếu các văn bản hướng dẫn. Vì vậy, hạn chế trong phân bổ nguồn nhân lực và kinh phí cho các hoạt động ứng dụng cũng như cho hoạt động của Khối.
4. Định hướng hoạt động trong giai đoạn tiếp theo
a Bối cảnh tình hình chung
Mạng lưới các tổ chức KHCN trung gian được hình thành và đa dạng về các loại hình; tuy nhiên hiện nay, tại các tỉnh/thành phố, thực hiện yêu cầu sắp xếp, tinh gọn về cơ cấu tổ chức trong hoạt động của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ nên phần lớn các Trung tâm Ứng dụng, Trung tâm Thông tin, Trung tâm tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã sáp nhập. Trung tâm mới thành lập không còn chuyên biệt về lĩnh vực ứng dụng mà gồm nhiều lĩnh vực như thông tin KH&CN, kiểm định, kiểm nghiệm, đo lường; do đó thiếu về nhân lực phụ trách hoạt động ứng dụng nói chung cũng như hoạt động liên kết hợp tác nói riêng.
Yêu cầu tăng mức độ tự chủ dẫn đến các Trung tâm có sự điều chỉnh trong định hướng phát triển cũng như chức năng, nhiệm vụ. Các Trung tâm đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ dẫn đến hạn chế về nhân lực cho các hoạt động khác.
b. Định hướng
Củng cố, kiện toàn tổ chức cơ cấu Khối và Ban điều hành. Xây dựng Khối theo mô hình liên kết mới, phù hợp hơn về tổ chức, vai trò, nhiệm vụ và định hướng phát triển. Các Trung tâm thành viên cần tích cực chủ động hơn trong việc liên kết cũng như thực hiện các hoạt động của Khối.
Đăng ngày: 02/06/2023