Giải pháp đẩy mạnh minh bạch hóa quá trình sản xuất nông sản- triển khai nền tảng truy xuất nguồn gốc trên môi trường số

Thực trạng chuyển đổi số trong nông nghiệp tại thành phố Cần Thơ và cả nước

Chuyển đổi số trong nông nghiệp là xu thế tất yếu, quá trình chuyển đổi số (CĐS) đã và đang tác động đến mọi mặt của cuộc sống xã hội. Tương tự như các lĩnh vực khác, nông nghiệp cũng không nằm ngoài xu thế tất yếu này. Là vùng có tiềm năng, thế mạnh về nông nghiệp, thời gian qua, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bước đầu đã hình thành hệ sinh thái khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo thúc đẩy CĐS vào lĩnh vực này. Việc CĐS trong nông nghiệp đã giúp các nhà nông, doanh nghiệp tiếp cận cách làm mới để hòa nhịp xu thế phát triển, từ đó cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Thời gian vừa qua, nhận thấy công tác CĐS đã được ngành Nông nghiệp đặc biệt quan tâm và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm cho cả thời gian tới. Điều này đã được thể hiện thông qua những minh chứng như việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập Ban chỉ đạo CĐS để chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ CĐS theo ba trụ cột: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số, kinh tế nông nghiệp số và nông dân số. Đặc biệt, Bộ đã chọn ngày 19/8 hàng năm là ngày CĐS trong nông nghiệp. Cùng với đó, Bộ đã chỉ đạo các đơn vị tập trung xây dựng Đề án CĐS nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong công tác CĐS, truy xuất nguồn gốc được xác định là một trong những khâu đột phá và ngày càng trở nên cần thiết trong xu thế tất yếu của thị trường khi nhu cầu minh bạch nguồn gốc, chất lượng sản phẩm hàng hóa được quan tâm nhiều hơn và trở thành tiêu chí bắt buộc trong xuất khẩu và hội nhập kinh tế thế giới.

Tại thành phố Cần Thơ, ngành Nông nghiệp đã xây dựng kế hoạch thực hiện Ðề án Triển khai áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa nông nghiệp trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2030. Ðồng thời, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện truy xuất nguồn gốc cho nhiều sản phẩm nông nghiệp như cá thát lát, trà mãng cầu, xoài cát,… Ðây là dòng sản phẩm chủ lực, được phân phối ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước và có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong tương lai. Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc được xây dựng dựa trên nền tảng công nghệ số với nguồn cơ sở dữ liệu lớn, thông qua công cụ là tem xác thực, giúp người tiêu dùng có thể dễ dàng truy xuất được thông tin, dữ liệu của sản phẩm, hàng hóa bằng thao tác quét mã QR đơn giản.

Nội dung chính

CĐS hiện nay có nhiều giải pháp có thể tiến hành, thực hiện; trong số đó, thời gian qua, Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ Cần Thơ đã triển khai thực hiện một giải pháp dựa trên nền tảng công nghệ số để xây dựng Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa thành phố Cần Thơ. Cổng thông tin Hệ thống có địa chỉ truy cập tại trang https://check.cantho.gov.vn/

Đề cập về định nghĩa “truy xuất nguồn gốc” thì có thể hiểu Truy xuất nguồn gốc là khả năng theo dõi, nhận diện được một đơn vị sản phẩm thực phẩm qua từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến và phân phối. Hình thức truy xuất thường được áp dụng là phương pháp thủ công như ghi chép, trao đổi dữ liệu xử lý bằng tay, hoặc cũng có thể được thực hiện tự động thông qua các công nghệ hỗ trợ như công nghệ thông tin, mã số mã vạch, mã QR… để số hóa, trao đổi, truy xuất dữ liệu tự động. Xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử và áp dụng các công nghệ thu thập dữ liệu trên nhãn truy xuất nguồn gốc đang trở nên phổ biến.

Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa thành phố Cần Thơ là một hệ thống được xây dựng trên nền tảng số hóa, cập nhật thông tin, dữ liệu các sản phẩm, hàng hóa tại thành phố Cần Thơ nhằm xây dựng bộ cơ sở dữ liệu sản phẩm hàng hóa trên địa bàn (Big Data). Đến nay, đã có 43 cơ sở, 251 sản phẩm đã được phê duyệt thông tin, đăng tải trên Hệ thống của thành phố (trong dự án). Theo khảo sát, việc áp dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm giúp tăng 30% doanh thu cho doanh nghiệp tham gia dự án.

Bên cạnh đó, Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa thành phố Cần Thơ có những điểm mạnh sau:

1. Bản quyền: Sử dụng nền tảng công nghệ CheckVN với 02 phát minh, sáng chế để xây dựng Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc.

2. Check.cantho.gov.vn là hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc gắn với quản lý chất lượng, gắn với hoạt động quản lý của cơ quan quản lý – quản lý theo thời gian thực.

3. Tuân thủ theo các quy định về truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn quốc gia 12850:2019, tuân thủ theo tiêu chuẩn GS1.

4. Về khả năng kết nối và chia sẻ thông tin, dữ liệu, Hệ thống có tích hợp các API cho phép các hệ thống khác kết nối đến đồng thời chia sẻ và kết nối với các hệ thống khác. Như hệ thống có khả năng liên thông dữ liệu với các sản phẩm OCOP, liên thông hệ thống quản lý truy xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và liên thông hệ thống truy xuất của các tỉnh.

Việc áp dụng hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc dựa trên công nghệ 4.0, nền tảng số mang lại lợi ích không chỉ đối với doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh mà còn mang đến lợi ích cho cả nhà quản lý và người tiêu dùng, theo đó:

– Đối với doanh nghiệp: Thể hiện sự minh bạch trong khâu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và sẵn sàng cung cấp các thông tin trong quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ. Tăng hiệu quả truyền thông và kinh doanh bảo vệ được sản phẩm, kiểm soát được thị trường, kiểm soát chất lượng sản phẩm, chống hàng giả, bảo vệ thương hiệu, thống kê về lịch sử xác thực của người tiêu dùng, hỗ trợ xử lý khi có vấn đề phát sinh (kịp thời xác định, thu hồi, xử lý thực phẩm không an toàn, khiếu nại)….

– Đối với người tiêu dùng: Kiểm tra được thông tin về nguồn gốc sản phẩm, chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nhanh gọn và hiệu quả, giúp người tiêu dùng nhận biết rõ về thực phẩm sử dụng, chủ động truy xuất bằng chính mã QRCode trên mỗi sản phẩm, thao tác đơn giản, trả lời tức thì tại thời điểm xác thực, miễn phí xác thực chống giả.

– Đối với nhà quản lý: Kiểm soát được sản phẩm, theo dõi được thị trường, kiểm soát chất lượng, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất kinh doanh, hỗ trợ xử lý khi có vấn đề phát sinh (truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm sản không bảo đảm an toàn; giải quyết khiếu nại,…), ngoài ra cơ quan quản lý ngành nông nghiệp sẽ căn cứ vào cơ sở dữ liệu để hoạch định chính sách, quy hoạch phát triển tập trung hàng hóa có giá trị cao, giúp kinh tế xã hội ngày càng phát triển bền vững.

Việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa, nhất là nông sản, giúp các bên liên quan có thể truy xuất thông tin nhanh chóng, chính xác, giúp doanh nghiệp hướng đến chinh phục thị trường quốc tế vốn đòi hỏi rất khắt khe về truy xuất nguồn gốc hàng hóa trong cả sản xuất lẫn thương mại. Việc chính thức đưa vào vận hành Cổng thông tin Hệ thống quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa thành phố Cần Thơ, hướng tới kết nối Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa quốc gia, sẽ góp phần trong việc xây dựng và khẳng định thương hiệu sản phẩm của thành phố Cần Thơ nói riêng cũng như của Việt Nam nói chung, phục vụ công tác quản lý và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.

Kết luận- Kiến nghị và đề xuất

Thực hiện Đề án 100 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 19/01/2019, Sở Khoa học và Công nghệ đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Kế hoạch số 82/KH-UBND ngày 12/4/2021 nhằm triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc cho giai đoạn 2021-2030. Theo đó, mục tiêu được chia làm hai giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn từ 2021 đến năm 2025 có các mục tiêu được đặt ra như:

 – Triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc đối với ít nhất 05 sản phẩm, hàng hóa thuộc nhóm thủy sản, nông sản chế biến, trái cây, thực phẩm.

– Tối thiểu 30% các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa thuộc nhóm bắt buộc truy xuất nguồn gốc, nhóm sản phẩm ưu tiên truy xuất nguồn gốc theo hướng dẫn của Bộ, ngành chức năng hoặc theo yêu cầu của địa phương có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với Hệ thống truy xuất nguồn gốc Quốc gia.

Giai đoạn đến năm 2030, mục tiêu cần đạt được là:

– Tất cả các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa thuộc nhóm bắt buộc truy xuất nguồn gốc, nhóm sản phẩm ưu tiên truy xuất nguồn gốc theo hướng dẫn của Bộ, ngành chức năng hoặc theo yêu cầu của địa phương có hệ thống truy xuất nguồn gốc áp dụng các tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế, đảm bảo khả năng tương tác, trao đổi dữ liệu với hệ thống truy xuất nguồn gốc quốc gia.

– Hoàn thiện việc xây dựng, áp dụng và quản lý, cập nhật cơ sở dữ liệu sản phẩm, hàng hóa được sản xuất tại địa phương vào hệ thống truy xuất nguồn gốc của thành phố, kết nối với Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa Quốc gia.

Về phía Sở Khoa học và Công nghệ, trong thời gian tới sẽ phối hợp với các Sở, Ngành, Ủy ban nhân dân các quận – huyện tiếp tục mở rộng, triển khai, áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc cho các đơn vị, cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn; đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (chiếm 98,5% số doanh nghiệp tại thành phố), các hộ sản xuất cá thể, các hợp tác xã. Trong đó, ưu tiên đối với một số nhóm sản phẩm, hàng hóa có thế mạnh, các sản phẩm hàng hóa chủ lực của thành phố, sản phẩm quốc gia, sản phẩm đã được công nhận xếp hạng OCOP.

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa là giải pháp tối ưu trong chuyển đổi số nông nghiệp, mang lại lợi ích to lớn cho tất cả các bên nhận diện được giá trị tham gia vào chuỗi cung ứng. Một hệ thống truy xuất nguồn gốc cần có sự liên kết giữa các mắt xích, các đơn vị trong chuỗi để mang lại lợi ích cho các bên tham gia, tăng tính minh bạch, qua đó nâng cao uy tín của các sản phẩm trên thị trường.

Chính vì thế, để việc CĐS trong nông nghiệp nói chung và công tác triển khai- ứng dụng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn thành phố nói riêng đạt hiệu quả, đảm bảo các mục tiêu đề ra rất cần sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị, các Sở-Ngành, địa phương và sự hưởng ứng tích cực của đông đảo doanh nghiệp và người dân./.

Đăng ngày: 02/06/2023