Đặt vấn đề
Cây xanh giữ vai trò rất quan trọng trong đời sống của con người, ngoài việc điều hòa khí hậu, chống lũ, giữ đất, chống xói mòn, cung cấp khí oxi chúng còn cung cấp nguồn thực phẩm, làm thuốc chữa bệnh, làm vật liệu cho xây dựng, làm dụng cụ trong gia đình, tạo cảnh quan…. Khi mức sống của người dân được tăng lên, vấn đề vui chơi, giải trí sau một ngày làm việc mệt mỏi, cần có một không gian xanh gần gủi với thiên nhiên đang là nhu cầu của rất nhiều người dân hiện nay, đặc biệt là người dân ở các đô thị. Chính vì vậy, nghề trồng cây cảnh đặc biệt là các giống hoa Lan hiện nay rất phát triển và đem lại nhiều giá trị kinh tế cho người dân.
Lan (Orchidaceae) là một trong mười họ giàu loài nhất của hệ thực vật Việt Nam. Lan được đa số người dân ưa chuộng vì có hoa đẹp và đa dạng về hình thái và màu sắc, chiếm không gian ít, có thể trồng trên sân thượng, mái hiên… Ngoài những loài lan bản địa, rất nhiều loài lan trồng làm cảnh hiện nay là những loài lan lai từ nhiều nguồn và những loài lan nhập nội như Dendrobium Makariki Blue (Dendrobium Kultana × Dendrobium Halawa Beauty), Phalaenopsis Yu Pin Sweety (Phalaenopsis sp5.), Dendrobium Woon Leng hybrid (Dendrobium sp15.)…. Do đó, việc xác định tên khoa học của loài gặp rất nhiều khó khăn.
Thành phần loài hoa Lan rất đa dạng và phong phú về chủng loại, mỗi loài có đặc tính sinh học cũng như giá trị kinh tế khác nhau. Do đó, việc đánh giá thực trạng mức độ đa dạng của các loài hoa Lan là rất cần thiết, làm cơ sở khoa học cho việc lựa chọn các loài có tiềm năng cho giá trị kinh tế cao để gây trồng, đồng thời phát triển nghề trồng hoa Lan, đem lại giá trị kinh tế cho người dân thành phố.
Phương pháp nghiên cứu
Phương pháp nghiên cứu lý thuyết
– Thu thập có chọn lọc các thông tin, tài liệu, số liệu đã được nghiên cứu trước đó có liên quan đến đề tài đang nghiên cứu.
– Nghiên cứu bản đồ hành chính thành phố Cần Thơ để xác định các tuyến đường; các công viên, các khu giải trí; các khu hành chánh và các khu dân dụng trên địa bàn.
Phương pháp điều tra thực tế
Các bước nghiên cứu ngoài thực địa được áp dụng theo quyển “Các phương pháp nghiên cứu thực vật” của Nguyễn Nghĩa Thìn (2008) bao gồm:
– Khảo sát thực tế các địa điểm và lập danh sách các cơ sở kinh doanh cây cảnh; các hộ trồng nhiều cây cảnh; các công viên, các khu vui chơi giải trí; các tuyến đường có qui hoạch trồng cây xanh, cây cảnh; các khu dân dụng; các khu hành chính ở các phường, xã thuộc thành phố Cần Thơ.
– Điều tra phỏng vấn trực tiếp các hộ kinh doanh cây cảnh, hoa kiểng cũng như các hộ trồng nhiều cây cảnh để thu thập thông tin về chủng loại (tên địa phương), nguồn gốc của cây các loài cây hoa cảnh.
– Điều tra thực tế các loài cây hoa cảnh trồng trong các công viên, các tuyến đường, các khu dân dụng, khu hành chính… ở thành phố Cần Thơ.
– Chụp ảnh cơ quan sinh dưỡng và cơ quan sinh sản của các loài hoa cảnh quan sát được để định loại. Đồng thời thu thập mẫu các cây chưa xác định được tên Việt Nam và tên khoa học.
Kết quả tổng hợp
Qua điều tra tổng hợp được 126 loài Lan tại thành phố Cần Thơ. Tuy nhiên, đa phần là các loài nhập ngoại và mới được lai tạo nên chưa có tên trong “Danh lục các loài thực vật Việt Nam” (2001, 2003, 2005) và “Cây cỏ Việt Nam” (1999 – 2000). Chủ yếu nhất vẫn là các loài thuộc chi Dendrobium, Vanda, cattleya, Phalaenopsis.
Hầu hết các loài Lan đều có dạng sống phụ sinh hay còn gọi là bì sinh là những cây sống trên thân, cành, và cả lá của các cây cây chủ. Chúng có thân rễ và lá với lục lạp đầy đủ, nên có thể tự dưỡng nhờ phản ứng quang hợp. Rễ của chúng chỉ bám vào bề mặt bên ngoài cây chủ, hấp thu nước muối khoáng do nước mưa và sương đọng, rồi nhờ lục lạp ở lá quang hợp tạo dưỡng chất cho chúng sống. chúng không nhờ gì cây chủ, có chăng là giúp nó chỗ bám, chỗ tựa. Tách rời chúng ra khỏi cây chủ và trồng riêng, chúng vẫn sống độc lập. Cây phụ sinh cũng ít nhiều gây hại cho cây chủ, chúng có thể chận lấy ánh sáng, hoặc có thể bóp chết cây chủ. Phong lan bám trên cây gỗ lớn, tách về trồng chúng vẫn sống tốt nên phong lan là cây phụ sinh. Tuy nhiên có 2 Chi lan tại thành phố Cần Thơ là Cymbidium ( Địa lan hay Lan kiếm) và Spathoglottis (Lan cao diệp) là có dạng sống thuộc nhóm thân cỏ
Bảng các chi Lan phổ biến
TT | Tên chi |
1 | Dendrobium |
2 | Vanda |
3 | Brassolaeliocattleya |
4 | Phalaenopsis (Hồ Điệp) |
5 | Arachnis (lan nhện) |
6 | Cymbidium ( Địa lan hay Lan kiếm) |
7 | Epidendrum ( Trúc Lan) |
8 | Mokara |
9 | Oncidium (Vũ Nữ) |
10 | Renanthera ( Huyết nhung hay khô mộc) |
11 | Spathoglottis (Lan cao diệp) |
12 | Ascocentrum ( Hỏa hoàng) |
Đa dạng về mức độ bảo tồn
Kết quả nghiên cứu đã xác định được, có 3 loài Lan có tên trong “Sách đỏ Việt Nam–phần Thực vật” (2007), Nghị định số 32/2006/NĐ-CP và Thông tư số 40/2013/TTBNNPTNT. Chi tiết được thể hiện ở Bảng mức độ bảo tồn của một số loài lan tại thành phố Cần Thơ.
Bảng : Mức độ bảo tồn của một số loài lan tại thành phố Cần Thơ
STT | Tên khoa học | Tên Việt Nam | Họ | SĐ VN | NĐ 32 | TT 40 |
1 | Dendrobium aphyllum (Roxb.) Fischer. | Hạc vĩ (Thạch học không lá) | Orchidaceae | VU | ||
2 | Dendrobium farmeri Paxton. | Ngọc điểm (Thủy tiên trắng) | Orchidaceae | EN | ||
3 | Dendrobium cruentum Rchb.f. | Hoàng thảo thanh hạc | Orchidaceae | I |
Từ kết quả Bảng ở Bảng mức độ bảo tồn của một số loài lan tại thành phố Cần Thơ cho thấy có 3 loài có tên trong “Sách đỏ Việt Nam – Phần Thực vật” (200) chiếm đây là những loài lan quí, có hoa đẹp. Có 1 loài ở mức nguy cấp (EN) là Ngọc điểm (Dendrobium farmeri Paxton.); 1loài ở mức sắp nguy cấp (VU) là Hạc vĩ (Dendrobium aphyllum (Roxb.) Fischer.).
Theo Thông tư số 40/2013/TT-BNNPTNT đã thống kê được 1 loài ở phụ lục I (danh mục những loài thực vật hoang dã bị đe doạ tuyệt chủng, nghiêm cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật từ tự nhiên vì mục đích thương mại) là Hoàng thảo thanh hạc (Dendrobium cruentum Rchb.f.).
Đăng ngày: 02/09/2023