Đặc điểm cây Nhân trần tía ở Việt Nam

Đặc điểm thực vật học

Dùng để phân loại các loài thuộc chi Adenosma ở Việt Nam, hoa tự là đặc điểm giúp phân biệt rõ ràng nhất. Chỉ có loài Nhân trần tía Adenosma bracteosum có hoa tự là cụm hoa dạng bông (gié) ở ngọn cành, rất dễ nhận biết tại thực địa cũng như phân loại từ các mẫu cây khô. Ngoài ra, còn có một số khác biệt về đặc điểm vi phẫu của các bộ phận thường dùng làm thuốc (thân, lá, hạt) thuộc các loài Adenosma được tóm tắt ở bảng dưới đây:

Bảng 1: So sánh các đặc điểm vi phẫu của 3 loài thuộc chi Adenosma ở Việt Nam [1]

Vi phẫuA. caeruleumA. indianumA. bracteosum
ThânTiết diện gần tròn,  có mô dày gócTiết diện tròn, có mô dày gócTiết diện gần vuông, có mô dày góc
Phiến láĐồng thểDị thể bất đối xứngĐồng thể
Cuống láCó cuốngKhông cuốngKhông cuống
HạtHình bầu dục, có vân dọcHình bầu dục, có màng bao xung quanhHình trứng, có vân dạng mạng lưới

Gen

Gen ribulose-1,5-bisphosphate carboxylase/oxygenase large subunit (rbcL) gene, partial cds; plastid locus   JQ933207   độ dài 1341 bp, DNA của nhân trần loài Adenosma indianum voucher M.  được giải mã trên cơ sở đó tiến hành giải mã và đánh giá sự đa dạng thông qua gen rbcL được tiến hành nhằm khẳng định hệ gen của loài Nhân trần tía Tây Ninh.

Hoạt tính y sinh học

Các bộ phận Nhân trần tía được sử dụng trong y học cổ truyền là toàn bộ phần trên mặt đất của cây. Các bộ phận này thường được thu hái vào sáng sớm, để tránh thất thoát lượng tinh dầu trong cây. Hàm lượng tinh dầu chiết xuất từ cây Nhân trần tía Tây Ninh đang ra hoa là cao nhất lên đến 0,6%. Trong đó, thành phần chính của tinh dầu nhân trần tía là: Thymol (25,6%), linalool (13,1%) và (E)-β-farnesene (9,5%), carvacrol (27-37,2%). Carvacrol đã được chứng minh hoạt tính kháng khuẩn mạnh và có khả năng chống ung thư.

Ngoài tinh dầu, trong thành phần hoạt chất trong cao nhân trần tía còn có chứa các hợp chất polyphenol và flavonoid mà điển hình là flavone và scutellarein-6-O-glycoside. Có bốn dẫn xuất flavone khác từ dịch chiết cồn của nhân trần tía Adenosma bracteosum Bonati.

Nhìn chung, các công bố về thành phần hóa học của tinh dầu cũng như các hợp chất polyphenol và flavonoid được tìm thấy ở loài Nhân trần tía cho kết quả khác tương tự. Một số khác biệt nếu có có thể là do phương pháp chiết xuất, vị trí thu hái cũng như thời điểm thu hái các bộ phận dùng của dược liệu [2].

Các công bố gần đây về thành phần hoạt chất có lợi cho sức khỏe con người  làm cở sở khoa học để giải thích cho các ứng dụng làm dược liệu và điều trị bệnh trước đó của Nhân trần nói chung và nhân trần tía nói riêng.

Các hoạt tính dược và y học của các loài thuộc chi nhân trần

Lê Tùng Châu và cộng sự (1992) [3] đã có một số công bố về hoạt tính sinh học của các loài thuộc chi Adenosma ở Việt Nam:

+ Nhân trần có tác dụng kháng khuẩn: Dịch chiết từ các loài thuộc chi Adenosma ở Việt Nam cho thấy khả năng ức chế một số vi khuẩn như Escherichia coli, Shigella dyseteriae, Shigella shigae, Staphylococcus aureus và Streptococcus hemolyticus. Trong đó, dịch trích A. caeruleum cho thấy hoạt tính kháng khuẩn mạnh nhất đối với các chủng cầu khuẩn như Staphylococcus aureusStreptococcus hemolyticus. Mặt khác, dịch trích của A. indianum cho thấy tác dụng kháng khuẩn mạnh hơn trên các chủng trực khuẩn Bacillus sp. và có tác dụng tăng hấp thu gentamycin, giúp nâng cao hiệu quả điều trị của thuốc.

+ Nhân trần có tác dụng kháng viêm: Các kết quả nghiên cứu cho thấy cao nhân trần có tác dụng kháng viêm ở giai đoạn cấp tính mạnh hơn giai đoạn mãn tính.

+ Nhân trần có tác dụng lên chức năng gan mật: thử nghiệm trên chuột lang cho thấy cao chiết từ A.indianum có tác dụng tăng tiết dịch mật (với liều 10g/kg cân nặngàlượng mật tiết tăng 24,4%), thúc đẩy quá trình bài xuất dịch mật, tăng cường chức năng giải độc của gan (với liều 10g/kg cân nặng à tăng chức năng thải trừ của gan đến 187,5%).

+ Nhân trần có tác dụng trên hệ tuần hoàn: các kết quả nghiên cứu cho thấy cao các loại Nhân trần có tác dụng làm hạ huyết áp, thúc đẩy tuần hoàn.

+ Nhân trần có tác dụng diệt giun: thử nghiệm tiến hành trên giun của lợn đối với tinh dầu và dịch chiết từ loài A. indianum cho thấy tác dụng diệt giun đất, giun đũa và giun móc.

+ Nhân trần có tác dụng chống loét: có tác dụng làm giảm tiết dịch vị dạ dày, giảm nồng độ acid dạ dày ở chuột trắng loét dạ dày.

+ Độc tính của Nhân trần: thử nghiệm độc tính cấp trên chuột trắng với liều uống cao gấp 20 lần liều thường dùng vẫn không gây độc.

Đối với thử nghiệm độc tính bán cấp, thí nghiệm trên thỏ với liều dùng 10g/kg thể trọng/ngày trong 4 tuần liên tiếp, các chỉ số về số lượng hồng cầu, bạch cầu, ure máu, GOT, GPT … không phát hiện các hiện tượng nhiễm độc do thuốc [3].

Tác dụng trên gan: Liều phối hợp của cao Diệp hạ châu (100mg), cao Nhân trần tía (80mg), cao Rau má (40mg) và cao Nghệ (30mg) ở liều 0,5-1g/kg chứng minh tác dụng ức chế sự tăng hàm lượng MDA ở các mô tế bào gan bị tổn thương và làm giảm sự tăng hoạt độ các transaminase GOT và GPT trong tổn thương gan [8]. Một số bệnh viện y học cổ truyền đã sử dụng Nhân trần tía để điều trị viêm gan cho bệnh nhân và đạt kết quả khả quan [4].

Tác dụng chống oxy hóa: Nghiên cứu sàng lọc hoạt tính chống oxy hóa của 56 loài dược liệu. Trong đó, kết quả hoạt tính chống oxy hóa in vitro của các loại cao chiết từ loài Adenosma bracteosum theo 4 phương pháp khác nhau được thể hiện ở bảng 2 [5].

Báo cáo nghiên cứu cũng đã kết luận loài Adenosma bracteosum là một trong các dược liệu có hoạt tính chống oxy hóa mạnh nhất trong 56 loài dược liệu được nghiên cứu [5]. Trong đó, cao MeOH của Nhân trần tía là có hoạt tính cao nhất trong ba loại cao chiết từ Nhân trần tía.

Bảng 2: Kết quả hoạt tính chống oxy hóa in vitro của Adenosma bracteosum.

Phương phápCao Dicloromethane Cao MeOHCao nước
FRAP (µmol Fe2+/L)555 ± 54333 ± 333019 ±71
MDA (%)12,89 ± 0,7880,86 ± 2,617,19 ± 3,85
DPPH (%)26,7 ± 1,4290,62 ± 0,856,93 ± 0,69
Enzyme xanthin oxidase (%)2,3570,146,57

Các nghiên cứu trên lâm sàng cũng cho thấy có tác dụng trong điều trị viêm gan, bệnh viện Nhiệt Đới đã từng dùng dược liệu này chữa cho hơn 4.000 trường hợp viêm gan do virus và đạt kết quả tốt, bệnh viện Y dược cổ truyền Tây Ninh đã dùng để chữa hơn 100 trường hợp xơ gan cổ trướng cho kết quả khỏi bệnh là 24% và tiến triển khá tốt là 46,6% [6,7]. Thêm vào đó nhóm nghiên cứu Đại Học Y Dược thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu sàng lọc 56 dược liệu, trong đó dược liệu Nhân trần tía cho tác dụng chống oxy hoá cao, trên cả 4 mô hình thử nghiệm [1].

Cây nhân trần tía tại vườn quốc gia Lò Gò Xa Mát

Tài liệu tham khảo

[1]. Nguyễn Ngọc Quỳnh (2019), Nghiên cứu các đặc điểm thực vật, thành phần hoá học và một số tác dụng sinh học của cây Nhân Trần tía Adenosma bracteosum Bonati- Scrophulariaceae, Luận án Tiến sỹ ĐHYD, TP HCM, Việt Nam.

[2]. Nguyễn Thị Lâu, Phạm Văn Tới, Trương Thị Đẹp (1984), Góp phần nghiên cứu Nhân trần, khảo sát thực vật học, Thông tin Dược học, 3, tr. 1-20.

[3]. Lê Tùng Châu (1992), Tóm tắt kết quả nghiên cứu ba cây thuốc chi
Adenosma mang tên “Nhân trần” chữa bệnh gan trong Y học cổ truyền Việt Nam
, Tạp chí Dược học (2), tr. 6-8.

[4]. Nguyễn Minh Đức (2007), Tác dụng bảo vệ gan của công thức phối hợp các dược liệu diệp hạ châu – Nhân trần tía – rau má – nghệ, Tạp chí dược liệu, 12(3+4), tr. 115-120.

[5]. Nguyễn Ngọc Hồng, Trần Hùng (2010), Sàng lọc hoạt tính chống oxy hóa của 56 loài thực vật Việt Nam, Tạp chí Hóa học, 48(4B), tr. 454-459.

[6].  Nguyễn Minh Khởi, Phạm Thanh Huyền, Nguyễn Quỳnh Nga, Nguyễn Xuân Trường, Phạm Ngọc Khánh, Trương Quang Lực, Tạ Quốc Vượng, Lê Hùng Tiến, Vũ Hoài Sâm, Kết quả nghiên cứu bảo tồn nguồn gen cây thuốc ở Việt Nam trong giai đoạn 2011 – 2016, Viện dược liệu – Bộ Y tế,  Tiểu ban tài nguyên sinh học, Hội nghị khoa học về sinh thái và tài nguyên sinh vật lần 7, 1258-1264,  Hà Nội, Việt Nam.

[7] Đỗ Tất Lợi (2004), Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, NXB Y học, tr 625-629.  [8] Viện Sinh học nhiệt đới (2006), Điều tra đánh giá hiện trạng và diễn biến tài nguyên động thực vật Vườn quốc gia Lò Gò – Xa Mát, Báo cáo khoa học. Tr. 28-35, 37-45.

Đăng ngày: 06/07/2023