CÂY CHIA (Salvia hispanica) VÀ NHỮNG GIÁ TRỊ TIỀM NĂNG

Cây chia (tên khoa học là Salvia hispanica) là một loài thực vật có hoa trong họ Hoa môi, cùng họ với các loại thảo mộc dùng làm gia vị như bạc hà, húng quế. Loài cây này có nguồn gốc từ Mexico, là thực phẩm truyền thống lâu đời của vùng Trung và Nam châu Mỹ.

Cây chia (tên khoa học là Salvia hispanica) là một loài thực vật có hoa trong họ Hoa môi, cùng họ với các loại thảo mộc dùng làm gia vị như bạc hà, húng quế. Loài cây này có nguồn gốc từ Mexico, là thực phẩm truyền thống lâu đời của vùng Trung và Nam châu Mỹ. Được miêu tả khoa học lần đầu vào năm 1973, ngày nay cây chia được xem là một loài cây cung cấp loại hạt rất giàu dinh dưỡng và thường được sử dụng trong thực dưỡng. Bên cạnh đó, cây còn cho hoa có màu tím hoặc trắng với vẻ đẹp tinh tế. Cây chia dễ trồng, lại có giá trị dinh dưỡng và giá trị thẩm mỹ cao. Đây là loài thực vật có nhiều tiềm năng để khai thác.

Một số đặc điểm hình thái, sinh lý:

Cây chia là cây thân thảo, chiều cao có thể lên đến 1,75 m, tương đương với chiều cao của người trưởng thành. Lá cây mọc đối xứng, với chiều dài khoảng 4–8 cm, rộng khoảng 3–5 cm. Cây có hoa nhỏ (3–4 mm) mọc thành nhiều cụm, có màu tím hoặc trắng. Hạt chia có màu sắc khác nhau từ đen, xám, đen đốm trắng cho đến trắng, và hạt có hình bầu dục với kích thước từ 1–2 mm, hình dáng tương tự như hạt é.

Cây chia là cây được trồng hai vụ một năm. Loài cây này thích nghi với nhiều loại đất và khí hậu khác nhau. Đặc biệt, chúng có thể ở phát triển trong môi trường khô hạn, vì thế rất được khuyến khích làm cây trồng luân canh trên cánh đồng.

Vai trò của cây chia đối với sức khỏe:

 

Cây chia được trồng chủ yếu để lấy hạt. Hạt chia có nhiều tính chất dược lý và hàm lượng dinh dưỡng quý giá. Hạt chia có chứa: protein (15–25%), chất béo (30–33%), carbohydrate (26–41%), chất xơ thực phẩm (18–30%), tro (4–5%), chất khoáng, vitamin thiết yếu. Hàm lượng canxi trong hạt cao gấp 5 lần trong sữa. Hạt còn chứa khoáng vi lượng stronti, là chất xúc tác quá trình đồng hóa protein và tạo năng lượng, tăng cường sự chắc khỏe cho sụn khớp, xương và răng. Hạt chia còn chứa nhiều loại chất chống oxy hóa rất mạnh, có thể giúp bài trừ chất độc. Thành phần kim loại nặng trong hạt không vượt quá mức cho phép, và không bị nhiễm mycotoxin. Mặt khác, hạt chia không chứa gluten nên không gây nguy hiểm cho người nhạy cảm với gluten như ngũ cốc khác.

Hạt chia chứa từ 25–40% dầu, là nguồn cung cấp dồi dào các acid béo thiết yếu, EFA (Essential Fatty Acids). Trong số đó, phải kể đến (omega) ω­3 alpha­linolenic acid chiếm 60% và ω­6 linoleic acid chiếm 20% lượng dầu trong hạt. Chúng làm giảm nguy cơ bệnh tim, hỗ trợ ngăn ngừa và chữa trị một số bệnh ung thư, v.v. Các EFA là nguồn cung cấp năng lượng dồi dào và chi phối nhiều quá trình sống của cơ thể. Hạt chia có chứa các EFA với các tác dụng như: tăng cường chức năng của hệ thần kinh, hệ cơ và màng tế bào; hỗ trợ giảm cân và đào thải chất độc; cung cấp nhiều oxy cho các tế bào giúp cho sự sống, việc giảm đau và chữa vết thương diễn ra thuận lợi; tăng cường hệ miễn dịch; tham gia vào các phản ứng chuyển hóa chất; tăng tốc độ hồi phục của cơ khi cơ mệt mỏi. Đặc biệt, các chất ω-3, ω-6 cùng với phenolic acid trong hạt chia có tác dụng duy trì mức lipid máu khỏe mạnh.

Thành phần chất xơ của hạt và màng nhầy tạo ra khi trương nở trong nước có tác dụng tốt cho việc thanh lọc và làm dịu đại tràng, hấp thu chất độc, bôi trơn thành ruột và tăng cường nhu động ruột. Vì thế, chia rất có ích trong việc chữa trị ung thư đường ruột và bệnh đường tiêu hóa. Chất gel của hạt còn có tác dụng giữ ẩm, giúp duy trì cân bằng điện giải. Ngoài ra, hạt chia còn góp phần điều hòa sự chuyển hóa đường trong cơ thể. Các enzyme có mặt trong hạt chia cũng có thể hỗ trợ tiêu hóa các thực phẩm khác.

Hạt chia có tính chất ức chế sự thèm ăn và có hàm lượng đường thấp nên rất có ích cho người ăn kiêng. Loại hạt này còn có tác dụng giảm căng thẳng và tăng cường trí nhớ. Đặc biệt, hạt chia là nguồn cung cấp năng lượng dồi dào. Theo nghiên cứu ở Mỹ, 1 thìa canh hạt chia có thể cung cấp năng lượng cho một người làm việc cường độ cao trong 24 giờ.

Hạt chia đang nảy chồi có hàm lượng vitamin tăng lên đáng kể và trở nên bổ dưỡng hơn. Mầm chia có thể chữa các vấn đề về tiêu hóa, đặc biệt là chứng đầy hơi.

Hạt chia. Nguồn: https://www.herbalfire.com

Theo nghiên cứu, gà mái ăn thức ăn bổ sung hạt chia cho trứng có tỉ lệ acid béo bão hòa so với acid béo không bão hòa thấp hơn một nửa so với trứng gà bình thường, do đó ít gây nguy hiểm cho tim mạch hơn. Hàm lượng ω-3 trong trứng cũng cao hơn so với trứng của gà ăn hạt lanh hay hạt cải dầu. Nghiên cứu trên động vật cũng cho thấy hạt chia có thể làm giảm lượng triglyceride và cholesterol có hại, làm tăng lượng cholesterol có lợi và acid béo không bão hòa đa (Polyunsaturated Fatty Acids – PUFA) trong máu, đồng thời không gây tác dụng phụ cho tuyến ức (cơ quan miễn dịch trung tâm) và các kháng thể. Hạt chia cũng làm tăng lượng PUFA, chất lượng mùi và vị của sản phẩm thịt gia súc được nuôi bằng hạt chia. Đây là nguồn PUFA thay thế rất tốt cho cá và các loại dầu hạt khác. Một ưu thế khác của hạt chia là nó không có các mùi hay vị lạ như nguồn dinh dưỡng từ thủy hải sản. Một số thử nghiệm lâm sàng cũng chứng tỏ lợi ích của hạt chia đối với sức khỏe con người.

Trà chia (từ lá tươi hoặc khô) có các công dụng như: làm thuốc bổ; thanh lọc máu; hạ sốt; giảm đau; dùng trong các trường hợp viêm khớp, vấn đề về hô hấp, bệnh tiểu đường, tiêu chảy; dùng làm thuốc súc miệng chữa viêm loét hoặc đau họng; giảm huyết áp và lượng mỡ trong máu; tăng cường hệ thần kinh.

Vì chia có những giá trị dinh dưỡng đáng quý, nên từng được thổi phồng là “thuốc chữa bách bệnh” hay “thuốc trường sinh”. Tuy nhiên, giống như nhiều loại thực phẩm bổ ích khác, chia chỉ đơn giản là một loại thực phẩm dinh dưỡng có thể hỗ trợ ngăn ngừa, chữa bệnh và tăng cường sức khỏe, không phải là thần dược.

Vẻ đẹp của cây chia:

Vẻ đẹp của cây chia có thể được bắt gặp ở hoa văn độc đáo của hạt chia, màu xanh mướt của cây rau mini, cho tới màu tím và trắng tinh tế của hoa cây chia trưởng thành. Có thể nói, cây chia xứng đáng có một vị trí trong bất cứ khu vườn hoa cảnh nào.

Ngày nay, với sự sáng tạo của con người, cây chia được nhiều người yêu cây biết đến với dạng cây mini trồng trên “Chia pet” (nghĩa là Thú cưng Chia). Những hạt chia nảy mầm thành cây non trên các tượng sành theo phong cách Mỹ, tạo thành lớp lông hoặc tóc “đáng yêu” cho các bức tượng. “Chia pet” là sản phẩm và quà tặng được nhiều người ưa chuộng.

“Chia pet”, một dạng chơi cây kiểng độc đáo. Nguồn: http://www.ctpost.com/

Cây chia có thể được trồng trong nhà như một loại rau mini hoặc trên các cánh đồng lớn.

Màu xanh tươi mát của cây chia non. Nguồn: http://www.hgtv.com/

Hoa cây chia (Salvia hispanica). Nguồn: http://www.gflora.com và https://www.amazon.com/gp/gw/ajax/s.html

Cánh đồng hoa chia. Nguồn: http://okosmostisgnosis.blogspot.com

Tiềm năng thị trường và ứng dụng thương mại:

Có thể nói, cây chia đem lại một nguồn lợi kinh tế khá lớn với người nông dân và nhà sản xuất. Nhờ vào những lợi ích sức khỏe đáng kể, đặc biệt là đặc tính chống oxy hóa và hàm lượng ω-3 dồi dào, chia trở nên phổ biến ở các quốc gia khác nhau, được trồng và được thương mại hóa rộng rãi. Cho đến nay, cây chia không chỉ được trồng ở châu Mỹ mà còn ở các khu vực khác như châu Úc và Nam Á.

Các công dụng thương mại của hạt chia chủ yếu là: làm thức ăn chăn nuôi, xây dựng công thức thực phẩm, thực phẩm bổ sung. chia là thực phẩm được ưa chuộng với người theo chế độ thực dưỡng. Gần đây, hạt chia đã chiếm được sự tin dùng của nhiều người khi trở thành một trong những nguồn cung cấp nhiều PUFA có lợi.

Rất nhiều nhãn hiệu hạt chia ra đời, chứng tỏ sức hút của loại thực phẩm này đối với người tiêu dùng. Tại Việt Nam, hạt chia nhập khẩu có giá khoảng 700.000 đồng cho đến hơn 1.000.000 đồng/kg.

Bên cạnh đó, các nhà sản xuất còn nghiên cứu tạo ra các loại sản phẩm khác nhau chế biến từ chia nhằm sử dụng tốt một lượng dồi dào các khoáng chất, vitamin và các chất dinh dưỡng quý giá khác trong cây chia. Vì thế, các loại thức ăn, nước sốt salad, thức uống, mỹ phẩm, v.v chế biến từ các bộ phận khác nhau của cây chia cũng xuất hiện càng nhiều trên thị trường. Ngành công nghiệp thực phẩm ở nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới như Mỹ, Canada, Chile, Úc, New Zealand sử dụng một cách rộng rãi hạt chia hoặc dầu hạt chia với nhiều ứng dụng khác nhau như làm bánh mì, ngũ cốc điểm tâm, thức ăn dạng thanh, đồ ăn nhẹ, nước ép, bánh ngọt và sữa chua, v.v.

Các sản phẩm từ cây chia. Nguồn: Tổng hợp.

Cây chia cũng phổ biến với những người yêu cây cảnh bởi vẻ đẹp của cây chia non cho đến những bông hoa chia màu tím hoặc trắng. Vì thế, hạt giống cây chia cũng là sản phẩm được nhiều người tìm mua.

Mời các bạn tìm hiểu thêm tại:

http://longtimemother.hubpages.com/hub/How-I-grow-and-harvest-organic-Chia#

http://www.hindawi.com/journals/bmri/2012/171956/

http://herbsarespecial.com.au/isabells_blog/isabells-articles/chia-crop-potential-and-uses.html

Ngọc Thanh Sưu tầm.

Đăng ngày: 19/08/2015