ÁP DỤNG CÂY CẤY MÔ TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP

Ứng dụng cây cấy mô vào sản xuất còn xa lạ với bà con vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong những năm gần đây việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất được nhà nước khuyến khích nhằm tăng chất lượng nông sản.

1. Mở đầu

Ứng dụng cây cấy mô vào sản xuất còn xa lạ với bà con vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong những năm gần đây việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất được nhà nước khuyến khích nhằm tăng chất lượng nông sản. Theo báo Lâm Đồng (2013), hàng năm tỉnh này sản xuất khoảng 22 triệu cây giống cấy mô với 58 cơ sở nhân nuôi cấy mô. Tháng 7/2010, câu lạc bộ Nuôi cấy mô Đà Lạt ra đời có 10 doanh nghiệp và 14 hộ gia đình tham gia trong câu lạc bộ này.

Ở ĐBSCL, tỉnh Đồng Tháp vào năm 2012 đã sản xuất được 20 ngàn cây giống Cúc cấy mô đưa vào sản xuất. Riêng ở Thành phố Cần Thơ thì việc áp dụng cây cấy mô vào sản xuất còn khiêm tốn chỉ mang tính nghiên cứu thăm dò và đặc biệt tập trung trên cây hoa kiểng. Ngược lại, cây trồng nông nghiệp thì chỉ dừng ở mức trồng thử nghiệm chứ chưa mở rộng. Có nhiều lý do làm hạn chế diện tích cây trồng nông nghiệp cây mô như người dân chưa nhận thấy ưu điểm của cây cấy mô, đặc biệt là giá thành của cây cấy mô còn quá cao nên người trồng còn ngần ngại chưa dám đầu tư. Trong năm năm qua, chúng tôi tập trung nhân giống và trồng thử nghiệm hai loại cây là cây khóm và cây chuối ở địa bàn Hậu Giang và Cà Mau. Trong bài tham luận chúng tôi trình bày những ưu và khuyết điểm của hai cây chuối và khóm cấy mô ngoài thực tế sản xuất.

2. Thử nghiệm cây khóm cấy mô

Mục tiêu của dự án này nhằm: (i) Tạo ra cây khóm cấy mô sạch bệnh héo khô đầu lá (HKĐL) do virus gây ra; (ii) Phục tráng giống khóm Cầu Đúc Hậu Giang.

Phục tráng giống khóm Cầu Đúc. Cây khóm Cầu Đúc đã được trồng tại Hậu Giang từ những năm 1940 của thế kỷ trước. Lấy chồi của vụ trước làm giống cho vụ sau dần dần sức sống giảm, giống thoái hóa, mầm bệnh tích lũy.

Theo kết quả nghiên cứu của chúng tôi về cây khóm cấy mô sạch bệnh cho thấy:

Ưu điểm

+ Độ đồng đều cao

+ Sinh trưởng mạnh

+ Trọng lượng trái cây khóm cấy mô trung bình 1,4 kg/trái và cây trồng bằng chồi 1,1 kg/trái vào vụ đầu tiên.

+ Qua 4 năm trồng cây khóm cấy mô chưa thể hiện triệu chứng bệnh HKĐL ở ngoài đồng.

Khuyết điểm:

+ Giá thành cây cấy mô cao so với chồi nách địa phương

+ Sau khi thu hoạch trái, cây mẹ cho ra nhiều chồi nách nên tốn công lặt bỏ bớt chồi.

3. Thử nghiệm cây chuối cấy mô

Mục tiêu của dự án này nhằm: (i) Tạo ra cây chuối cấy mô sạch bệnh vàng lá nẩy chồi do virus gây ra; (ii) Sản xuất cây chuối cấy mô với số lượng lớn.

Tại hai Tỉnh trồng cây cấy chuối cấy mô trong 3 năm qua cho thấy hiệu quả như sau:

+ Độ đồng đều cao.

+ Cây sinh trưởng mạnh .

+ Trọng lượng buồng lớn hơn 10-20% so với cây trồng bằng cách bứng chồi mẹ tùy theo giống (chuối Cau, Xiêm hay Già).

+ Thu hoạch đồng loạt.

Khuyết điểm: giá thành cây cấy mô còn cao nên người dân do dự không muốn đầu tư trồng cây cấy mô.

PGS. Ts Lê Văn Bé
Khoa Nông nghiệp SHUD – Đại Học Cần Thơ
Hội thảo “Ứng dụng CNSH trong sản xuất giống cây trồng bằng phương pháp cấy mô”

PGS. Ts Lê Văn Bé – Khoa Nông nghiệp SHUD – Đại Học Cần Thơ
Hội thảo “Ứng dụng CNSH trong sản xuất giống cây trồng bằng phương pháp cấy mô”

Đăng ngày: 22/07/2015