Nghiên cứu mới của các nhà khoa học tại Bệnh viện Nhi đồng British Columbia (BC Children’s Hospital) và Đại học British Columbia (UBC) thấy rằng trẻ sơ sinh có thể được bảo vệ khỏi bị bệnh hen suyễn nếu chúng có được bốn loại vi khuẩn đường ruột trước ba tháng tuổi. Hơn 300 gia đình từ khắp đất nước Canada đã tham gia vào nghiên cứu này thông qua nghiên cứu Healthy Infant Longitudinal Development (CHILD) tại Canada.
“Nghiên cứu này hỗ trợ giả thuyết vệ sinh (hygiene hypothesis) rằng chúng ta đang làm cho môi trường trở nên quá sạch sẽ. Dễ thấy rằng vi khuẩn đường ruột đóng một vai trò trong bệnh hen suyễn, nhưng đó là trong những tháng đầu đời khi hệ thống miễn dịch của bé đang được hình thành”, theo lời của người đồng lãnh đạo nghiên cứu B. Brett Finlay, giáo sư danh dự được phong danh hiệu Peter Wall, từ Phòng Thí Nghiệm Michael Smith – Khoa Vi Sinh Vật Học và Miễn Dịch Học -Khoa Hóa Sinh – Sinh Học Phân Tử tại Đại học British Columbia.
Tỷ lệ bệnh hen suyễn đã tăng lên đáng kể từ những năm 1950 và hiện nay ảnh hưởng đến 20% trẻ em ở các nước phương Tây. Phát hiện này mở ra cánh cửa dẫn đến việc phát triển phương pháp điều trị bằng vi sinh cho trẻ sơ sinh để ngăn ngừa bệnh hen suyễn. Phát hiện này cũng có thể được dùng để phát triển một thử nghiệm nhằm tiên đoán trẻ nào có nguy cơ phát triển bệnh hen suyễn.
Các nhà nghiên cứu đã phân tích các mẫu phân từ 319 trẻ em tham gia vào nghiên cứu CHILD. Phân tích vi khuẩn đường ruột lấy từ các mẫu phân cho thấy mức độ của bốn loại vi khuẩn đường ruột đặc hiệu thấp hơn ở những trẻ ba tháng tuổi có nguy cơ bị hen suyễn cao hơn.
Hầu hết ở các trẻ sơ sinh tự nhiên mà có được bốn loại vi khuẩn, có biệt danh là FLVR (Faecalibacterium, Lachnospira, Veillonella, Rothia), từ môi trường quanh chúng, nhưng một số thì không do điều kiện khi sinh ra hoặc do các yếu tố khác.
Các nhà nghiên cứu cũng thấy giữa các trẻ em một tuổi có ít sự khác biệt về mức độ FLVR, nghĩa là ba tháng đầu là một khoảng thời gian quan trọng cho sự phát triển hệ thống miễn dịch của bé.
Các nhà nghiên cứu đã kiểm chứng những phát hiện này trên chuột và phát hiện ra rằng những con chuột sơ sinh được tiêm vi khuẩn FLVR thì ít gặp phải bệnh hen suyễn nghiêm trọng.
“Phát hiện này mang lại chúng ta những phương pháp tiềm năng mới để ngăn chặn căn bệnh đe dọa sự sống của nhiều trẻ em. Nó cho thấy có một khoảng thời gian ngắn, khoảng 100 ngày, để áp dụng biện pháp can thiệp điều trị nhằm bảo vệ bé chống lại bệnh hen suyễn,” theo lời nhà đồng lãnh đạo nghiên cứu tiến sĩ Stuart Turvey, nhà miễn dịch học nhi khoa, Bệnh viện Nhi đồng BC, giám đốc nghiên cứu lâm sàng và nhà khoa học lâm sàng cao cấp tại Viện Nghiên cứu Trẻ em và Gia đình, Aubrey J. Tingle Giáo sư miễn dịch học nhi khoa tại Đại học British Columbia.
Các nhà nghiên cứu nói rằng nghiên cứu xa hơn trên nhiều trẻ em hơn là cần thiết để khẳng định những phát hiện này và khám phá những vi khuẩn này ảnh hưởng đến sự phát triển của bệnh hen suyễn như thế nào.
Nghiên cứu được công bố ngày hôm nay tại trong Science Translational Medicine.
Theo medicalxpress
Kim Tươi
Đăng ngày: 09/10/2015