Các nhà nghiên cứu của Đại học Leeds – Vương quốc Anh – đã tạo ra những con chuột thông minh bất thường bằng cách làm biến đổi một gen đơn. Kết quả là những chú chuột này giảm cảm giác lo lắng hay ít nhớ lại những nỗi sợ đã trải qua. Điều này làm rõ cơ chế phân tử của sự học hỏi và ghi nhớ, và có thể trở thành cơ sở cho việc nghiên cứu phương pháp trị liệu mới đối với sự suy giảm nhận thức do tuổi tác, các rối loạn nhận thức như bệnh Alzheimer, tâm thần phân liệt, và các tình trạng bệnh lý khác.
Chuột thí nghiệm. Nguồn: © mgkuijpers / Fotolia
Các nhà nghiên cứu đã biến đổi một gen trong chuột để ức chế hoạt động của enzyme phosphodiesterase-4B (PDE4B), là enzyme hiện diện ở nhiều cơ quan (bao gồm cả não) của động vật có xương sống.
Trong các bài kiểm tra hành vi, những con chuột đã được ức chế enzyme PDE4B tỏ ra được tăng cường các khả năng về mặt nhận thức. Chúng có xu hướng học hỏi nhanh hơn, ghi nhớ sự kiện lâu hơn và giải quyết các bài tập phức tạp tốt hơn các con chuột bình thường. Ví dụ , chuột “thông minh” thể hiện tốt hơn chuột bình thường về khả năng nhận biết con chuột khác đã được giới thiệu với chúng vào ngày trước đó. Trong một thí nghiệm với mê cung nước Morris, chúng học được vị trí của chiếc bục ẩn nhanh hơn so với chuột bình thường. Tuy nhiên, so với các con chuột bình thường, các con chuột được ức chế enzyme PDE4B ít nhớ lại sự kiện đáng sợ đã xảy ra vào những ngảy trước đó.
Các phát hiện được công bố chỉ giới hạn trên đối tượng chuột và chưa được thử nghiệm trên con người, nhưng enzyme PDE4B cũng tồn tại trong cơ thể người. Hiện tượng giảm trí nhớ về sự sợ hãi ở những con chuột bị ức chế enzyme PDE4B có thể có ích cho các nhà nghiên cứu trong việc tìm ra phương pháp điều trị chứng sợ hãi bệnh lý, tiêu biểu là “Rối loạn stress sau sang chấn”(Post-Traumatic Stress Disorder −PTSD).
Những con chuột được ức chế enzyme PDE4B cũng tỏ ra ít lo âu hơn. Chúng dành nhiều thời gian ở các không gian mở và sáng hơn những con chuột bình thường vốn thích các không gian tối và khép kín.
Trong tự nhiện, chuột bình thường rất sợ mèo, nhưng các con chuột được ức chế enzyme PDE4B giảm phản ứng sợ hãi với nước tiểu của mèo, điều này cho thấy một tác dụng của việc ức chế enzyme PDE4B là có thể gia tăng hành vi mang tính liều lĩnh. Vì thế, trong khi chuột được ức chế enzyme PDE4B rất xuất sắc trong việc giải quyết các bài tập phức tạp thì sự ít lo lắng có thể gây phản tác dụng đối với một con chuột sống hoang dã.
Tiến sĩ Steven Clapcote − Giảng viên Dược vật học ở Khoa Khoa học Y sinh của Đại học Leeds, người chủ trì nghiên cứu – cho rằng: “Hiện nay, các bệnh về khiếm khuyết nhận thức được điều trị một cách kém hiệu quả, vì thế tôi rất phấn khởi khi công trình nghiên cứu trên chuột đã xác định được phosphodiesterase-4B như một mục tiêu đầy hứa hẹn cho các phương pháp trị liệu mới, có nhiều tiềm năng.”
Hiện tại, các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu phát triển các loại thuốc có thể ức chế đặc hiệu enzyme PDE4B. Các thuốc này sẽ được thử nghiệm trên động vật để xem chúng có thích hợp cho các thử nghiệm lâm sàng trên người hay không.
Tiến sĩ Alexander McGirr − một bác sĩ tâm thần đang tập huấn tại đại học British Columbia, người đồng chủ trì nghiên cứu − phát biểu: “Trong tương lai, các loại thuốc nhằm vào enzyme PDE4B có tiềm năng cải thiện cuộc sống của người mắc chứng rối loạn nhận thức thần kinh và chứng lo lắng, và chúng có thể đóng một vai trò trong một khoảng thời gian nhất định sau khi chấn thương”.
Tiến sĩ Laura Phipps của Tổ chức Alzheimer’s Research UK – người bên ngoài cuộc nghiên cứu – cho rằng: “Nghiên cứu này nhấn mạnh vai trò quan trọng tiềm ẩn của gen PDE4B trong việc học hỏi và trí nhớ của chuột, nhưng các nghiên cứu sâu hơn cần được tiến hành để biết được các phát hiện này có thể liên quan đến căn bệnh Alzheimer hoặc các chứng mất trí nhớ khác hay không. Chúng ta cần xem gen này có thể tác động đến trí nhớ và suy nghĩ của con người như thế nào để có thể đưa ra ý kiến chính xác hơn về việc nó có tiềm năng trở thành liệu pháp chữa trị đích trong việc chữa trị bệnh Alzheimer hay không?”.
Cho đến nay, phương pháp trị liệu hiệu quả cho chứng mất trí vẫn còn thiếu và việc hiểu rõ ảnh hưởng của các gen có thể là một bước đầu quan trọng trên con đường phát triển các loại thuốc mới. Với việc có rất nhiều người bị ảnh hưởng bởi chứng mất trí, việc nghiên cứu ra nhiều phương pháp chữa trị là rất quan trọng để sớm tìm ra cơ hội chữa trị tốt nhất cho các bệnh nhân”.
Nguồn Sciencedaily
Ngọc Thanh dịch
http://www.sciencedaily.com
Đăng ngày: 19/08/2015