Chiều ngày 18/7/2024, tại thành phố Cần Thơ, Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội thảo khoa học “PII – Định vị đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế – xã hội TP Cần Thơ và hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.
Tham dự Hội thảo có ông Nguyễn Trung Nhân – Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP. Cần Thơ, ông Nguyễn Ngọc Hè – Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, ông Vũ Văn Tích – Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo (Bộ Khoa học và Công nghệ) cùng 100 đại biểu là các nhà khoa học từ các viện trường, đại biểu sở, ngành và doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực khoa học – công nghệ (KH&CN) tại thành phố Cần Thơ, đại biểu từ các Sở KH&CN vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các cơ quan thông tấn, báo chí.
Tại hội thảo các đại biểu đã nghe các diễn giả giới thiệu các bài tham luận: Kinh nghiệm quốc tế về đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế – xã hội – (TS. Christopher Han – Tiến sĩ Đại học Stanford, Giám đốc Chiến lược Đổi mới sáng tạo – Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh); Định vị PII trong thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo phục vụ phát triển kinh tế – xã hội (PGS. TS. Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo – Bộ Khoa học và Công nghệ); Phân rã chỉ số PII trong phát triển chỉ số đổi mới sáng tạo thành phố Cần Thơ và vùng ĐBSCL (PGS. TS. Phan Thị Bích Nguyệt, Chủ tịch Hội đồng tư vấn chiến lược và chính sách – Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh). Đồng thời, các đại biểu thảo luận một số ý kiến: Sở hữu trí tuệ – Yếu tố quan trọng nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo địa phương; Giải pháp triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo để nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo.
Theo kết quả công bố PII (Provincial Innovation Index) năm 2023, Cần Thơ thuộc top 5 địa phương đạt chỉ số PII cao nhất cả nước, với điểm số 49,66. Theo đó, các chỉ số là điểm mạnh của TP. Cần Thơ gồm: Nhân lực nghiên cứu và phát triển (toàn thời gian)/10.000 dân; Đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích/10,000 dân; Đơn đăng kí giống cây trồng/10,000 dân; Chỉ số sản xuất công nghiệp; Số sản phẩm OCOP 4 sao trở lên/tổng số xã. Bên cạnh đó, các chỉ số là điểm yếu của TP. Cần Thơ gồm: Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; Quản trị điện tử; Giá trị tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn của doanh nghiệp (tỷ đồng); Tỷ lệ chi đào tạo lao động trong tổng chi của doanh nghiệp (%); Tỷ lệ các dự án đầu tư đang hoạt động trong các cụm công nghiệp/ 1,000 doanh nghiệp.
TP. Cần Thơ đã và đang đẩy mạnh các hoạt động gắn kết giữa nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ với sản xuất kinh doanh, phát huy thế mạnh của địa phương, tạo sức mạnh tổng thể để phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế xã hội của toàn vùng.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung vào các giải pháp phát triển nguồn nhân lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; sở hữu trí tuệ là yếu tố quan trọng nâng cao chỉ số đổi mới sáng tạo… Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm trong nước và quốc tế về đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế – xã hội. Đồng thời, Hội thảo là dịp để thành phố tăng cường sự gắn kết giữa nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia nghiên cứu, doanh nghiệp và tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong việc đánh giá thực trạng, tiềm năng để các địa phương xây dựng chính sách phát triển kinh tế – xã hội phù hợp dựa trên KH&CN và đổi mới sáng tạo của từng địa phương.
Đăng ngày: 18/07/2024