I. Giới thiệu chung về ớt Peru
1. Nguồn gốc
Ớt Peru Charapita có nguồn gốc từ các vùng phía Bắc của đất nước Peru và bắt nguồn từ một thành phố có tên Iquitos. Vì thế, người dân ở đây gọi loại ớt này là “Charapas”. Loại ớt này rất hiếm và Peru là nguồn cung cấp chính đó cũng là một trong những lý do nó có giá nửa tỷ/kg.
2. Đặc điểm hình thái
Ớt Peru thuộc cây trồng lâu năm, thân dưới hóa gỗ, chiều cao trung bình khoảng 40 – 70cm, phần thân có khoảng 4 cạnh, phân thành nhiều tán. Rễ có hình trụ, nhiều nhánh phụ phát triển nhanh tạo thành rễ chùm.
Hoa ớt là hoa lưỡng phái, có kích thước nhỏ,có dạng hình chén, có lá đài tương đối nhỏ, hẹp và nhọn, thường mọc thành chùm gồm 3 – 4 hoa. Tràng hoa có khoảng 7 cánh, phân trong cánh có lỗ để tiết mật hoa. Đặc biệt hoa ớt có thể tự thụ phấn hoặc thụ phấn chéo nhờ côn trùng đều được.
Trái khi chín thường có màu vàng hoặc đỏ. Quả ớt Charapita rất chắc, giòn, có một cụm hạt ở giữa. Hạt ớt dẹp có dạng hình bán cầu, vỏ hạt cứng lại khi chín. Ớt có vị rất cay, giống như các loại ớt hiếm khác.
3. Lợi ích sức khỏe của ớt Charapita
Ngoài hương vị đặc biệt, ớt Charapita được ưa chuộng bởi nhiều lợi ích sức khỏe mà nó mang lại.
Thành phần của ớt Charapita gồm: nước, carbohydrate, protein, chất xơ, calci, phospho, sắt, carotene, thiamin, niacin, acid ascorbic, capsaicin.
Do chứa hàm lượng cao capsaicin nên ớt Charapita có thể giúp giảm đau, hỗ trợ tiêu hóavà chống viêm nhiễm. Lượng vitamin C trong mỗi quả ớt lên đến 76,4 mg (tương đương với một quả cam trọng lượng trung bình), đây là chất chống oxy hóa, giúp ngăn ngừa lão hóa, giảm lão hóa tế bào.
Mỗi quả ớt Charapita chứa 428 IU vitamin A cần thiết để duy trì thị lực; Khoảng 240mcg beta carotene, 319 mcg zeaxanthin, đều là những dưỡng chất có lợi cho đôi mắt, giúp ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng.
Ngoài ra, loại ớt này cũng chứa nhiều khoáng chất thiết yếu như calci, sắt, magne, kali và đồng, rất cần thiết cho cơ thể khỏe mạnh. Ngoài ra, hàm lượng cao vitamin A có trong ớt Charapita còn giúp sáng mắt, ngăn ngừa thoái hóa điểm vàng của mắt. Được biết, độ cay của loại ớt này lên tới 30.000 tới 50.000 độ cay Scolville, thậm chí nó còn cao gấp 4-20 lần ớt jalapeño nổi tiếng. Theo mô tả, độ cay này thậm chí có thể “làm thủng” lưỡi.
II. Phương pháp trồng
Ớt là loại cây có thể chịu nhiệt, tốc độ sinh trưởng của cây kém và rất dễ rụng hoa. Là loài cây nhỏ có thể sống được vài năm nếu được chăm sóc tốt. Điều đặc biệt là ớt rất dễ mọc, dù không cần gieo trồng những ớt vẫn có thể tự mọc hoang và phát triển như bình thường.
1. Cách trồng cây ớt Peru
a. Trồng từ hạt
Ngâm hạt giống với nước ấm 2 sôi : 3 lạnh trong 3 – 4 giờ. Sau đó vớt ra rửa lại với nước sạch, ủ thêm trong khăn ấm khoảng 48 giờ, khi hạt đã nứt nanh thì tiến hành gieo. Dùng dụng cụ nhẹ nhàng lấy hạt đặt vào hố trồng có đất đã chuẩn bị sẵn, độ sâu khoảng 0,5 cm, sau đó lấp một lớp đất mỏng, tưới phun sương cho ẩm. Sau 25 – 45 ngày, cây được 3 -5 lá tiến hành mang ra chậu trồng.
b. Trồng bằng cây con
Tiến hành ngâm ủ như phương pháp gieo hạt. Khi hạt đã nứt nanh thì ươm vào khay hoặc bầu ươm. Có thể sử dụng giá thể chuyên dùng ươm giống, 100% mụn dừa, phân trùn quế trộn với mụn dừa theo tỷ lệ 1:1 hoặc tự phối trộn 5 đất thịt : 3 phân hữu cơ (phân trùn quế, phân bò,…) : 2 trấu hun và mụn dừa.
Tiến hành ươm: cho hạt đã nứt nanh vào khay có giá thể đã chuẩn bị sẵn, độ sâu khoảng 0,5 cm, lấp một lớp giá thể mỏng, tưới phun sương nhẹ. Nên duy trì giá thể luôn ẩm, không để không hoặc quá sũng nước. Đặt khay vào nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp. Sau 30 ngày, cây cao khoảng 5 – 10 cm, có 4 – 5 cặp lá thì tiến hành trồng vào chậu. Đặt cây giống vào hố trồng, ấn nhẹ vào đất để cây đứng vững, không nghiêng vẹo, mỗi cây nên cách nhau khoảng 0,7 m, mỗi hàng cách nhau từ 1 – 1,5 m. Dùng dụng cụ chống để giúp cây thẳng đứng, không bị gió hay mưa là đổ hoặc làm gãy.
2. Xử lý đất trồng
Đối với cây ớt, nên chọn loại đất có cơ cấu đất tốt, có đủ độ ẩm và hệ thống thoát nước cao, nên chọn đất có độ pH bằng 5 – 6,5.
Dùng 50% phân chuồng hoai mục, 45% bã mùn và 5% vôi bột rải đều khắp vườn, sau đó tiến hành cày bừa cho đất tơi xốp và có thể trộn đều đất với phân nhằm ổn định chất dinh dưỡng cũng như giúp cân bằng độ chua trong đất. Lượm sạch cỏ dại trước khi dùng vòi phun nước vô ruộng để ủ đất trong 25 – 30 ngày.
3. Cách chăm sóc cây ớt Peru
a. Lượng nước tưới cho cây ớt
Cách để cây ớt giữ được độ ẩm lâu và tiết kiệm công sức cũng như hiệu quả nhất là nên tưới vào các rãnh của luống cây, ngoài ra bạn có thể sử dụng thêm phương pháp tưới nhỏ giọt hoặc tưới phun nếu có hệ thống tưới.
Vào những mùa khô và giai đoạn cây ra hoa tạo quả nên tưới nước thường xuyên cho cây để cây ớt có đủ điều kiện để phát triển tăng năng suất, khi tưới nên cẩn thận tránh làm rụng hoa và quả.
b. Bón phân
Sau khi trồng cây được khoảng 1 tháng sau nên tiến hành bón thúc đợt 1 cho cây với tỉ lệ: 30% phân NPK (16 – 16 – 8); 40% phân hữu cơ hoai mục; 20% phân đạm; 10% phân urê. Sau 25 ngày, tiếp tục bón thêm đợt 2: 50% phân NPK; 30% Super Humic; 20% phân KCL. Vào mỗi đợt chuẩn bị thu hoạch nên bổ sung thêm phân Kali và phân Lân cho quả đạt năng suất.
c. Tỉa cành, tạo tán cho cây
Cần định kỳ 3 tháng/lần tiến hành tỉa các lá và cành mọc sát gốc, để cây có thêm diện tích phát triển và hạn chế được sâu bệnh gây hại.
d. Thu hoạch
Sau khi cây trổ hoa khoảng 35 – 40 ngày thì sẽ thu hoạch trái ớt.
Khi ớt bắt đầu chuyển sang màu vàng là lúc ớt bắt đầu chín, đây là lúc bà con cần thu hoạch ngay giúp kích thích cây ớt ra hoa nhiều và tạo năng suất cao hơn cho đợt sau.
Khi thu hoạch, bà con lưu ý ngắt cả cuống và trành làm gãy nhánh
Đối với các lứa chín rộ có thể thu hoạch ớt hằng ngày, còn bình thường thì cách 1 – 2 ngày thu hoạch 1 lần
III. Một số loại bệnh cây ớt thường mắc phải
1. Bệnh rệp hại bông
Bệnh này do rệp Aphis gossypii Glover gây hại, khi bị nhiễm bệnh cây thường cho trái ít, hoặc trái bị dị tật, nếu để nặng hơn cây sẽ không ra trái mà chết dần. Để phòng trị loại bệnh này, cần tách ly hoặc tiêu hủy ngay những cây bị bệnh trước khi rệp lây lan, ngoài ra có thể dùng thuốc Diazinon để xử lí tình trạng bệnh cho cây. Để phòng trừ cần thường xuyên kiểm tra cây trồng, sử dụng dung dịch tỏi ớt xịt cho cây để phòng trừ rệp tấn công, chọn giống khỏe, nuôi thiên địch.
2. Bệnh đốm lá
Bệnh đốm lá do nấm Cercospora capsici gây ra, loại bệnh này thường gây hại trên lá, khi bị bệnh trên lá thường xuất hiện những đốm nhỏ có màu nâu xám, về sau các vết bệnh loang rộng ra bề mặt lá, gây chết lá và rụng lá sớm. Để phòng trừ loại bệnh này, cần cân đối lượng đạm khi bón phân cho cây, chọn giống khỏe sạch mầm bệnh, thường xuyên kiểm tra kịp thời để phát hiện bệnh, ngoài ra có thể sử dụng thêm thuốc bảo vệ thực phun định kỳ 2 tháng/lần để phòng ngừa bệnh gây hại.
Đăng ngày: 02/06/2023